Chính quyền số đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, đánh dấu một bước tiến mới trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng của chính quyền số, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các chương trình, dự án nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính quyền số quốc gia.

Chính quyền số là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Chính quyền điện tử cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp thông qua Internet; cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, hoạt động của các cơ quan nhà nước và các dịch vụ công; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống hội nghị trực tuyến; thu thập, phân tích dữ liệu để phục vụ cho công tác ra quyết định và quản lý nhà nước…

Tại buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XIV (Lớp 3), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Tổng Bí thư lưu ý, quan hệ sản xuất chưa phù hợp đang cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất mới. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế, vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp, dễ nảy sinh tham nhũng vặt, cản trở phát triển. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; nhiều dịch vụ công trực tuyến chất lượng thấp, tỷ lệ người sử dụng chưa cao; việc tổ chức vận hành bộ phận “một cửa” các cấp ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

T.P Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số với mục tiêu “Đến năm 2030, trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”. Sau 4 năm thực hiện chương trình chuyển đổi số, T.P Hồ Chí Minh đã quan tâm, xây dựng và triển khai chính quyền số từ cấp thành phố đến cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chuyển đổi số các hoạt động quản trị của chính quyền, bảo đảm các điều kiện xây dựng chính quyền số. Cụ thể như: Triển khai đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông cho hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030); tuyên truyền về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức số cho người dân; thành lập 2.620 tổ công nghệ số cộng đồng với 11.059 thành viên…

Xây dựng và phát triển chính quyền số là yếu tố then chốt trong chiến lược cải cách hành chính, góp phần tạo nên một nền hành chính minh bạch, hiện đại và chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả và có hiệu lực. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quản trị Nhà nước, đặc biệt là việc thiết lập chính quyền số, trở thành yêu cầu cấp bách đối với các cấp, Bộ, ngành và địa phương. Việc xây dựng chính quyền số không chỉ đòi hỏi các cấp chính quyền phải thay đổi tư duy quản lý từ vai trò "lái thuyền" sang "chèo thuyền", mà còn phải định hướng và dẫn dắt doanh nghiệp, người dân áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào quá trình giải quyết công việc trong môi trường số.

Mai Phương