Ngày 31/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, phiên họp cuối cùng trước khi được Quốc hội kiện toàn Chính phủ khóa XIV vào tuần tới.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I/2021;đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; đánh giá tình hình thực hiện chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; phương án sử dụng các nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020; chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; dự thảo Nghị định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội mà đất nước ta đã đạt được trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021, trong đó nhấn mạnh, nhiều chỉ số kinh tế-xã hội tốt hơn. Tình hình các hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn, nhất là khi chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19.

Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP quý I đạt 4,8%, “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) tiếp tục tăng. So với cùng kỳ, chỉ số tăng trưởng này tốt hơn rất nhiều.

Khẳng định thành công trong thực hiện mục tiêu kép khi chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Có thể nói, trong Quý I/2021, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đều bảo đảm”.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 3 và Quý I/2021, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp của dịch COVID – 19, song với sự  chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và Quý I tiếp tục chuyển biến tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế Quý I/2021 cao hơn Quý I/2020, ước tăng 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%) cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá.

Lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp; CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Xuất nhập khẩu hàng hóa Quý I tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt hơn 2 tỷ USD. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021 tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai thực hiện sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả. Tiềm lực quốc phòng không ngừng được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội đã được đề ra cho những tháng tới và của cả năm 2021.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhìn lại nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã luôn phát huy được tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu rất đáng tự hào như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội. Chính phủ đã luôn đổi mới, cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ; nhiều vấn đề khó khăn về chính sách, pháp luật đã được tháo gỡ, góp phần đưa đất nước phát triển, tiến lên.

Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được tăng cường, bảo đảm; lạm phát thấp, quy mô GDP không ngừng được tăng lên; kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước được tăng cường. Đặc biệt chúng ta đã mở ra không gian, cơ hội lớn cho phát triển thông qua các hiệp định song phương và đa phương quy mô lớn.

Cùng với kinh tế, nước ta đã thực hiện tốt vấn đề về phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác...; tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, tài nguyên, môi trường...  được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID – 19, chúng ta đã rất thành công, điều này khẳng định “Thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID – 19 cho thấy một minh chứng, bài học điển hình về một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch”.

Một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các số liệu về kết quả phát triển kinh tế-xã hội mà nước ta đã đạt được trong Quý I/2021 là rất đáng mừng. Tuy vậy, chúng ta cũng thấy những vấn đề như sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động còn lớn...

Đề cập tới các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường trong phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện quyết liệt "5K + vắc xin", kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại. Sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "Hộ chiếu vắc-xin" để thúc đẩy thương mại, đầu tư. Sớm nghiên cứu việc xã hội hóa việc triển khai tiêm chủng để mở rộng nhanh, hiệu quả việc tiếp cận vắc-xin đối với mọi người dân.

Được biết, dịch ở Campuchia đang diễn biến hết sức phức tạp, do đó,
Thủ tướng yêu cầu các địa phương có đường biên giới với Campuchia nâng cao các biện pháp phòng dịch. Bộ Quốc phòng cần triển khai ngay các biện pháp chi viện cho các tỉnh phía Nam có đường biên giới với Campuchia, bám chốt, duy trì nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID - 19.

Về kinh tế vĩ mô, tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Sớm ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa, sửa đổi các quy định không phù hợp. Đổi mới hơn nữa hoạt động kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các nông sản theo mùa vụ, không để mất giá, phải giải cứu. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, Thủ tướng lưu ý cần có các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục nâng cao chất lượng học trực tuyến. Quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khôi phục sản xuất và đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn lao động, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trong nước thực hiện quy trình đảm bảo an toàn chống dịch cho khách du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ. Chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức Sea Games 31 (tổ chức ở Việt Nam).

Về khoa học và công nghệ, tiếp tục xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa và vận hành hiệu quả các cổng thông tin về khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị, tạo liên kết chặt chẽ, nhất là với các ngành hàng sản xuất lớn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giới trẻ.

Tập trung rà soát, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; nhân rộng các mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng. Triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại; làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác quan trọng. Phát huy thành tựu đạt được của năm Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò tại ASEAN, thúc đẩy hiệu quả hợp tác trong Khối. Tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Triển khai thực hiện hiệu quả các phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp.

Triển khai hiệu quả công tác thông tin truyền thông. Các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện thông tin, tuyên truyền về những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước, nhất là việc thực hiện “mục tiêu kép”, qua đó động viên toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Nhấn mạnh đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ XIV trước khi được Quốc hội kiện toàn và sau cuộc họp này, một số đồng chí sẽ nhận những nhiệm vụ với cương vị mới, có những đồng chí sẽ tiếp tục vị trí công tác của mình và một số đồng chí nghỉ chế độ theo quy định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn các đồng chí thành viên Chính phủ về sự sát cánh, cộng tác, hợp tác rất hiệu quả, trách nhiệm trong nhiệm kỳ Chính phủ suốt 5 năm qua. Đồng thời, Thủ tướng cũng chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dù ở vị trí hay cương vị nào thì từng đồng chí chúng ta sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng đóng góp cho Đảng, cho Nhà nước, cho Nhân dân, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn thịnh, hùng cường trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Chính phủ nhiệm kỳ XV sẽ kế thừa và phát huy hiệu quả truyền thống và thành tựu của nhiệm kỳ Chính phủ các khóa; vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao.

PV