Tuần qua, trong cuộc gặp gỡ các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ”.

“Như chiếc lò xo bị nén lại”, không phải là lời động viên thông thường của Thủ tướng, mà là một nhận xét rất hình ảnh, đầy bản lĩnh và ý chí “biến nguy thành cơ”.

Trước hết, đại dịch Covid-19 đã “nén” khát vọng giàu mạnh của đất nước ta thêm chật, nhưng tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của toàn dân tộc lại được tập trung hơn bao giờ hết. Mô hình, cách chống dịch của Việt Nam rõ ràng được quốc tế đánh giá cao; kỷ luật, kỷ cương xã hội của Việt Nam được nhân dân trong nước tôn trọng và ghi nhận, các nước trên thế giới càng hiểu hơn ý thức cộng đồng cao là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Điều này, cũng góp phần đánh bạt những thông tin tuyên truyền xuyên tạc về tình hình “mất dân chủ” ở Việt Nam.

Thứ hai, như Thủ tướng cho biết, chúng ta đã nhận được được một số thông tin để có cơ sở nhận định rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ khống chế được dịch, sớm phục hồi sản xuất rất nhanh, do đó, chúng ta phải đón bắt thời cơ này. Trên thực tế, dù Covid-19 đã trở thành đại dịch nhưng châu Âu đang dần trở thành tâm dịch của thế giới, việc các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc sẽ dần dần khống chế được dịch, phục hồi sản xuất sẽ tạo ra động lực hai chiều, nếu ta nắm bắt được cơ hội thì sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế đất nước.

Thứ ba, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Cả 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn đang được các bộ - ngành, địa phương gấp rút triển khai với tinh thần chủ động, gồm: 1. Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. 2. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. 3. Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. 4. Khẩn trương phục hồi và phát triển Ngành Du lịch, Hàng không. 5. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. 6. Tập trung xử lý vướng mắc về lao động. 7. Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Đó là ba chiếc “lò xo” lớn đang được “nén”, chắc chắn khi đại dịch được khống chế, những chiếc “lò xo” lớn này sẽ bật tung thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi nhà, mỗi người đều cảm nhận rõ rằng, trong cơn “hoạn nạn” mang tên Covid-19 cần phải chuẩn bị những gì để vươn mình đứng dậy sau thử thách.

Nhưng, ở một góc độ khác, chúng ta còn cảm nhận được “độ nén” ở những lò xo nhỏ hơn.

Đó là chuyện ông chủ một tập đoàn tư nhân khẳng định: “Không để ai mất việc do đại dịch, dù quy mô sản xuất của tập đoàn đang bị thu nhỏ, nhưng thà rằng rau cháo có nhau vượt qua khó khăn còn hơn sa thải nhân viên”. Đó là chuyện nhiều gia chủ sẵn sàng giảm tiền thuê nhà cho các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân do việc “đóng cửa” quá lâu. Đó là việc hàng loạt doanh nhân, người nổi tiếng đồng loạt ủng hộ, quyên góp số tiền nhiều tỷ đồng vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Đó là việc những em học sinh nhỏ tuổi “mổ lợn” lấy tiền mua khẩu trang tặng người nghèo...

Những chuyện lớn, vừa, nhỏ kể trên cho thấy đất nước ta, dân tộc ta sẵn sàng “bầu ơi thương lấy bí cùng” cho đến từng tế bào.

“Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta”, có người Việt Nam đã viết như vậy  khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày sau khi về nước từ vùng dịch. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc được cụ thể hóa qua những hành động của các công dân. Đó là hành động bộ đội hành quân vào rừng ở để nhường doanh trại cho người dân đến cách ly. Đó là những thầy thuốc tự nguyện, quên mình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 và nghi ngờ bị lây nhiễm Covid-19. Đó còn là những công dân tự nguyện, tự giác cách ly để không trở thành nguồn lây ra cộng đồng... Họ là những chiếc “lò xo” nhỏ bé nhưng vô cùng bền chặt, hòa quyện, đan kết vào sức mạnh chung của “chiếc lò xo toàn dân tộc”.

“Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi, nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba” - câu nói đó của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là lời hiệu triệu mọi công dân Việt Nam cùng chung tay, nỗ lực tạo nên sức bật cho đất nước khi thời cơ đến.

Nguyễn Hồng