Một phi thuyền mang theo robot bay lên mặt trăng và tìm kiếm nước nhằm mở đường cho việc lập căn cứ của con người trên vệ tinh của trái đất là viễn cảnh chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng. Nhưng mới đây ESA đã phê chuẩn kế hoạch đưa robot tự hành lên cực nam của mặt trăng vào năm 2018 để tìm băng bên dưới bề mặt ở đây. Chi phí cho kế hoạch lên tới hơn 800 triệu USD.
Đây là kế hoạch đưa một vật thể lên cực nam của mặt trăng đầu tiên của con người. Tiến sĩ Simon Sheridan, một nhà nghiên cứu của Đại học Mở tại Anh, là một thành viên trong nhóm thiết kế robot. Theo ông, nếu lượng nước trên mặt trăng đủ lớn, các phi hành gia có thể sống trên đó trước khi bay tới những hành tinh xa hơn.
Lunar Lander, tên của robot, sẽ có kích thước tương đương một chiếc xe hơi và khối lượng 810 kg. Một tên lửa sẽ đưa nó tới sát mặt trăng trước khi nó tách ra và lao xuống bề mặt của "chị Hằng". Quá trình đáp của Lunar Lander xuống mặt trăng sẽ diễn ra trong 12 phút. Hệ thống điều khiển tự động thông minh giúp robot tránh được các tảng đá và hố khi nó di chuyển tới cực nam.
Khi tới đích, mũi khoan của robot sẽ chui xuống độ sâu vài cm. Một thiết bị sẽ phân tích đất và gửi kết quả về trái đất bằng tín hiệu radio. Nếu Lunar Lander tìm thấy lượng băng đủ lớn, chuyến bay của nó sẽ mở ra triển vọng đưa phi hành gia lên mặt trăng để sống.
Vận chuyển nước từ trái đất lên vũ trụ là một hoạt động vô cùng tốn kém. Vì thế khai thác nước trên mặt trăng là một giải pháp quan trọng đối với các chuyến thám hiểm vũ trụ. Nếu con người có thể sống trên mặt trăng, nỗ lực đưa phi hành gia tới các hành tinh xa hơn - như sao Hỏa - sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, bởi mặt trăng sẽ trở thành "trạm dừng chân" trong hành trình.
Quỳnh Anh (TH)