Các đại biểu CCB Việt Nam tại Đại hội.

Ngày 10-12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam và Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó chủ tịch Hội tham dự và chia vui với các đại biểu dự Đại hội

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, qua hai cuộc kháng chiến, cả nước có nhiều phong trào thi đua đi vào lịch sử như phong trào "Thanh niên 3 sẵn sàng", "Phụ nữ 3 đảm đang", "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Hậu phương thi đua với tiền phương"… Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Trước đó, khi phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giành thắng lợi trong việc thực hiện mục tiêu kép” “Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế”. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao…

Tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm (2016-2020), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Trưởng ban Tổ chức Đại hội cho biết, giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo. Hiệu quả thiết thực nhất trong thời gian qua là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”, đã có hàng vạn gia đình hiến 45 triệu mét vuông đất, hàng chục nghìn tỷ đồng và 60 triệu ngày công xây dựng các công trình công cộng… 5 năm qua, cả nước tặng 343.727 huân, huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước; 28 Anh hùng LLVTND, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” với 20.334 Mẹ và tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 267 tập thể, cá nhân…

Tại Đại hội đã diễn ra giao lưu, tôn vinh điển hình tiên tiến. Đó là anh Trương Thái Sơn - công nhân Công ty Điện lực Chợ Lớn (T.P Hồ Chí Minh) đã có 30 sáng kiến làm lợi cho Ngành Điện nhiều tỷ đồng; là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua,“cha đẻ” của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới ST25; là ông Võ Văn Bình cùng cháu ngoại dầm mình trong nước lũ cứu hơn trăm người dân miền Trung; là các y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư - tuyến đầu chống Covid-19; là Đại tá Mai Hoàng (Bộ Công an) không quản hiểm nguy đối mặt với các loại tội phạm… Mỗi người là một bông hóa đẹp trong rừng hoa thi đua cả nước.

Tại hành lang Đại hội, chúng tôi gặp và hỏi chuyện được nhiều đại biểu là hội viên CCB đến từ các địa phương trong cả nước. Đây, bác Trương Thị Tám, 87 tuổi ở Khoái Châu (Hưng Yên), Anh hùng LLVTND chống Pháp; bác Nguyễn Thị Tám, 70 tuổi ở T.P Đà Nẵng, Anh hùng LLVTND chống Mỹ; bác Nguyễn Hữu Quyền, 76 tuổi ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ), Anh hùng LLVTND chống Mỹ;  Chuẩn Đô đốc, Anh hùng LLVTND Đỗ Viết Cường, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Ninh; Anh hùng Lao động Hoàng Thị Nhâm (Lai Châu). Các bác Nguyễn Hữu Vận ở Phú Giáo (Bình Dương), Chu Quang Chiến ở Mê Linh (Hà Nội), Trần Trung Thực ở Lộc Hà (Hà Tĩnh); Bác sĩ - TTƯT Vương Kim Đức - Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh… Tôi hiểu, mỗi đại biểu CCB dự Đại hội là một câu chuyện dài về những thành tích, về những nỗ lực hoạt động xã hội nay về tụ hội tại Đại hội này.

CCB La Văn Cầu - 89 tuổi, Anh hùng LLVTND chống Pháp luôn gương mẫu trong cuộc sống, được bầu chọn là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Bác Nguyễn Văn Sửu, 75 tuổi ở Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) về đời thường, nuôi lợn và làm nghề xây dựng nhưng vẫn luôn nhớ về đồng đội và người nghèo, mỗi năm làm từ thiện hàng tỷ đồng…

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, TGĐ ThaiBinh Seed trở về từ chiến trường, mảnh đạn còn găm trên trán, nhờ đam mê và hăng say lao động đã trở thành hình mẫu của một doanh nhân vượt khó, có tâm, có tầm trong ngành nông nghiệp, là tác giả của 15 giống cây trồng mới. Ông chia sẻ: “Ngày xưa không bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành Anh hùng. Là Bộ đội Cụ Hồ mà, làm là làm tới thôi. Vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm lớn mà tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng danh với danh hiệu và đóng góp vào quá trình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam". Còn kia là ông Lê Văn Kiểm - Ủy viên Thường vụ Hội CCB Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành và vợ là bà Trần Cẩm Nhung - Ủy viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành. Tính đến nay, ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung cùng gia đình đã đóng góp gần 1.500 tỷ đồng vào các hoạt động thiện nguyện. Hai ông bà vinh dự đều được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động (ông Lê Văn Kiểm lần 2).

Sau những bó hoa tươi thắm của các đại biểu được tặng, tôi hiểu, đấy là mồ hôi, là công sức và ý chí thép Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay, là những trăn trở góp sức xây dựng quê hương, đất nước…

Ghi chép của Lê Doãn Chiêu