Lẽ thường, khi đọc một bài thơ, mỗi người đều có cảm nhận riêng. Bài thơ “Cha con” của tác giả Duy Tường cũng vậy. Khi đọc bài thơ này, người đọc sẽ có những cảm nhận cùng lời bình khác nhau về cấu trúc, ngôn từ, về ý thơ, tứ thơ… Song, có một điểm chung, tôi tin như thế, trong cảm nhận của nhiều người, đó là: Bài thơ nén, dồn nhiều cảm xúc, khéo tinh gọn câu, chữ để “thu” hai cuộc đời - cuộc đời cha và cuộc đời con vào vỏn vẹn bốn khổ thơ.
Cuộc đời cha, một mảnh nâu sồng, rau cháo… mà ngời ngời tâm đức sáng trong để con vịn, tựa, vươn lên, tô đẹp thêm phẩm chất người lính Cụ Hồ giữa chiến trường khói lửa đạn bom, giữa thương trường cạnh tranh khốc liệt. “Muốn hơn người phải Tâm - Tầm - Trí - Trị…”, lời dạy, lời dặn ngắn gọn được tích tụ, chắt ra từ cuộc đời người cha đã trở thành lẽ sống của đời con…
Cuộc đời con, cuộc đời được cha nâng bước, truyền lẽ sống đã thủy chung giữ trọn “Đạo nghĩa tựa thiên kim”, để “Phúc lai thành” - lời di huấn của Can Tổng dòng họ Nguyễn Đăng đã “Tỏa rạng trong con Tâm thế một anh hùng”. Cũng vì “Con đã sống như cha hằng sống” và tâm đức trong sáng vô cùng của người Cha đã soi rọi cho con “… đến được nơi cần đến”…
Không sa đà kể, tả, không lần lượt khắc họa cuộc đời cha, cuộc đời con, tác giả Duy Tường đã xoắn kết cô đọng cuộc đời cha, cuộc đời con trong từng ý thơ, khổ thơ. Nhờ vậy, bài thơ đã tăng độ thẩm thấu cho người đọc về quy luật nhân - quả, về sự tiếp nối hai thế hệ.
Người xưa đã từng có nét đẹp văn hóa, vừa trí tuệ vừa thanh tao là “thưởng tranh họa thơ”. Bài thơ “Cha con” ra đời cũng từa tựa như vậy. Dựa vào tấm ảnh “Cha con” (người cha ngồi, áo gụ thẫm màu đất quê, nguồn cội; người con đứng sát bên - Anh hùng Nguyễn Đăng Giáp, áo xanh da trời hy vọng), tác giả Duy Tường đã sáng tác bài thơ “Cha con” để tôn vinh thêm vẻ đẹp tình phụ tử ánh ngời từ tấm ảnh.
Tự do cảm xúc để sáng tác thơ đã khó, dựa vào tranh, ảnh để sáng tác thơ càng khó hơn nhiều. “Hẹp” quá, thơ hóa ra nhắc lại những điều đã thấy. “Rộng” quá, thơ không còn của riêng tranh, ảnh nữa. Vừa đủ mà thẳm sâu, phát triển, gắn kết những điều chưa có từ những điều đã có, là một thử thách nghiêm túc. Tác giả Duy Tường đã vượt qua thử thách ấy thành công nhờ sự đồng cảm sâu sắc, cảm xúc chân thành cùng sự trải nghiệm, tinh tế và chót cùng của sự thăng hoa.
Nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực, mỗi tác phẩm ra đời thường xuất phát từ những điều cụ thể, từ cái tôi, cái riêng nhỏ bé. Nhưng, khi tác phẩm đã đồng điệu với nhiều người thì cái tôi, cái riêng nhỏ bé đã hóa thành cái ta, cái chung rộng lớn. Hy vọng, theo thời gian, bài thơ “Cha con” sẽ không còn là “của riêng” của Duy Tường.
Hà Nội, tháng 3-2016
Đại tá, Nhà văn Nguyễn Tiến Hải
Cha con
(Cảm nhận về tấm ảnh Cha con - Kính tặng Anh Nguyễn Đăng Giáp)
Duy Tường
Trải một thời rau cháo, đạn bom
Một mảnh nâu sồng nuôi con khôn lớn
Dõi bước con nơi hòn tên mũi đạn
Chia sẻ cùng con thách đố chốn thương trường.
“Đạo nghĩa tựa thiên kim” là đạo lý luân thường
Như tùng bách giữa biển đời bão tố
Muốn hơn người phải Tâm - Tầm - Trí - Trị...
Mỗi lời Cha nâng bước đời con.
Trọn vẹn tình nhà, gánh nợ nước non
Con đã sống như Cha hằng sống
“Phúc Lai Thành” lời truyền từ Can Tổng
Tỏa rạng trong con - Tâm thế một Anh hùng.
Tâm đức Cha trong sáng vô cùng
Soi rọi cho con đến được nơi cần đến
Để nơi cao vời Cha mãn nguyện
Bởi cả cuộc đời Cha dành trọn cho con.
Ngày đầu Chạp-Ất Mùi