Gia đình CCB Ly Sảo Phìn trồng hàng vạn cây chuối…

Nậm Chảy là xã vùng biên của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đại đa số. Những năm qua, nhờ chủ trương phát triển kinh tế của Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Khương, nhiều hộ gia đình, trong đó có những CCB đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ việc trồng cây nông sản…

Lấy kinh tế đồi rừng là chủ đạo

Theo Chủ tịch Hội CCB xã Nậm Chảy - Lùng Văn Hòa: Toàn xã hiện có 64 hội viên CCB thì hầu hết đều tham gia làm kinh tế đồi rừng. Trong đó có 2/3 số hội viên đang phát triển trồng cây nông sản như chuối, sa nhân, quế hồi…

Đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương phải nói đến mô hình làm kinh tế của hộ gia đình CCB Ly Sảo Phìn ở thôn Gia Khâu A. Bình quân hộ gia đình CCB Ly Sảo Phìn có thu nhập từ 400-450 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, trồng cây nông sản.

Được chủ tịch Hội CCB xã dẫn đi tham quan mô hình phát triển kinh tế, tiếp chúng tôi, ông Phìn chia sẻ: Trước đây cái đói cái nghèo cứ đeo đuổi mãi. Năm 2013, tôi sang Trung Quốc làm thuê, tình cờ thấy bên đó sử dụng cây sa nhân khá nhiều. Trong đầu nảy ý định sẽ về trồng cây sa nhân trên diện tích đất trống, đồi trọc. Nghĩ là làm, về tôi huy động vợ con bắt tay ngay vào việc. Sau 3 năm dành hết công sức cho cây sa nhân, ngày hái quả ngọt cũng đến với gia đình tôi. Năm đầu tiên thu hoạch, cây sa nhân mang lại cho gia đình 200 triệu đồng...

Từ mô hình phát triển kinh tế của một số hộ, sau mỗi kỳ đại hội, chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã Nậm Chảy trong phát triển kinh tế ngày càng rõ nét hơn. Trên địa bàn đã nhân rộng một số loại hình cây trồng khác như chuối, chè, hồi… ra toàn xã.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Chảy - Sìn Lào Lẻng cho biết: Dù là xã vùng cao, giáp biên, nhưng nơi đây bà con rất đoàn kết, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, cứ mô hình kinh tế nào hiệu quả là bà con học tập và làm theo ngay.

Ngoài ra, thời gian qua, việc phát triển các đảng viên trẻ kết hợp với công tác mặt trận ở các thôn, sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết nội bộ giữa các dòng họ nọ dòng họ kia nên việc học tập các mô hình kinh tế lẫn nhau ngày càng lan tỏa.  

Khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và từ mô hình trồng hồi rất hiệu quả của Bí thư chi bộ trẻ thôn Gia Khâu A - Vàng Seo Dua (sinh năm 1990), hay các mô hình trồng cây nông sản khác của các hội viên CCB xã là minh chứng, đã được nhân rộng ra toàn xã.

Tuy nhiên, có thực tế là việc trồng cây nông sản phát triển “nóng” sẽ dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Năm 2017-2019, Nậm Chảy được quy hoạch trồng 100ha chuối đến nay, các hộ dân đua nhau trồng chuối đã đẩy số diện tích tăng lên hơn 300ha; cây chè có khoảng 170ha, ngoài ra các loại cây trồng khác quế, hồi, quýt… cũng được trồng nhiều ở nơi đây…

Cần tuân thủ theo quy hoạch, khuyến cáo của cơ quan chức năng!

Theo Chủ tịch Hội CCB xã Nậm Chảy - Lùng Văn Hòa: Trước năm 2022, mặt hàng chuối hay nông sản khác khá ổn định. Ví như thời điểm năm 2016-2017, sa nhân xuất bán 200.000 đồng/kg, nhưng hiện giá bán chỉ được 30.000/kg. Hay mặt hàng chuối xuất bán sang Trung Quốc ở thời điểm giá cao được gần 10.000 đồng/kg, có thời điểm bấp bênh, mức giá tụt xuống chỉ còn… 1.200 đồng/kg.

Theo CCB Ly Sảo Phìn, hầu hết các gia đình hiện nay đều tự sản tự tiêu. “Thương lái họ trực tiếp về thu mua. Nếu họ về đông thì còn đẩy giá được, thương lái về ít thì hầu hết họ đều ép giá nông sản xuống thấp” - CCB Ly Sào Phìn cho biết tiếp.

Trao đổi với PV, Bí thư Huyện ủy Mường Khương - Giàng Quang Hưng thông tin: Mường Khương là thủ phủ nông sản của Lào Cai. Diện tích cây chuối, cây chè, cây dứa… có thể nói đứng đầu toàn tỉnh.

Về cây chè có khoảng 5.000ha; chuối, dứa hơn 3.000ha. Ngoài ra, các loại nông sản khác đặc thù như gạo Sén Cù; quýt, tương ớt Mường Khương… là những thương hiệu nông sản nổi tiếng ít địa phương khác có được. “Trước đây giao thương với nước bạn các mặt hàng được xuất bán khá tốt, nhưng kể từ sau đại dịch Covid-19 hầu như mặt hàng nông sản của bà con ở Mường Khương chủ yếu tự sản tự tiêu”.

Ông Hưng mong muốn bà con trên địa bàn cùng sẻ chia những khó khăn cho đầu ra hiện nay vì các cấp chính quyền địa phương không thể ra nghị quyết quy định giá nông sản cho bà con, mà hàng hóa phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường.

Để có giải pháp giúp bà con tiêu thụ nông sản, huyện Mường Khương đã kêu gọi thành lập được 8 đơn vị thu mua, chế biến hàng nông sản trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện và các xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con tập trung nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở mỗi vùng miền; thực hiện chuyển đổi mô hình cây trồng cho phù hợp, tránh phát triển tràn lan và đặc biệt là phải tuân thủ đúng quy hoạch, hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhà khoa học… - ông Hưng nói.

Xã Nậm Chảy nằm trên cao nguyên cổ Bắc Hà, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Địa giới hành chính xã Nậm Chảy nằm ở phía tây huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện lỵ 30km. Phía đông giáp với xã Thanh Bình, phía nam giáp với xã Lùng Vai. Phía tây, phía bắc giáp Trung Quốc và thị trấn Mường Khương.
Năm 1981, hai thôn Hen Tà, Lùng Pao của xã Nậm Chảy sáp nhập vào xã Lùng Vai. Hiện nay xã Nậm Chảy gồm các thôn: Cụm Ré, Cốc Ngù, Sảng Lùng Phìn, Lùng Phìn A, Củi Pao Phìn, Sí Giàng Phìn, Lao Chải, Nậm Chảy, Cốc 01 Râm A, Cốc Râm B, Gia Khâu A, Gia Khâu B, Mào Phìn và Sấn Pản.
Toàn xã hiện có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm: Mông, Dao, Pa Dí, Tu Dí, Phù Lá, Kinh, Tày, Mường, Nùng, Thái; trong đó dân tộc Mông có số dân chiếm đại đa số…

Bài và ảnh: Tư Hoành