Theo Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ vừa xuất bản, hiện nay, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha'i,... Trong đó Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự vào năm 2021.
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 được ứng dụng trong mọi mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, hoạt động tôn giáo trên không gian mạng cũng ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, bên cạnh những hoạt động của các tổ chức, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đã xuất hiện những cá nhân, tổ chức lợi dụng tính phổ biến của công nghệ để hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp. Thực trạng này đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những vấn đề mới, đòi hỏi mỗi công dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo.
Với lượng thông tin truyền tải lớn, sức lan toả nhanh, cách thức đa dạng, phong phú; không bị hạn chế về phạm vi không gian, thời gian cũng như số lượng người tham gia... nên việc khai thác, sử dụng mạng xã hội để “sinh hoạt tôn giáo online” được các cá nhân, tổ chức tôn giáo cả ở trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm, chú trọng thông qua các hình thức như: diễn đàn, hội thảo online; các nhóm kín; lập các Website, Facebook Fanpage, Zalo, Telegram, Instagram, Lotus, Mocha, Gapo, TikTok, Zoom, kênh Youtube… Đối tượng hướng đến là người cao tuổi, học sinh, sinh viên, người mắc bệnh nan y nhưng có khả năng, điều kiện sử dụng thiết bị kết nối mạng internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Trên không gian mạng hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều hoạt động mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá “tà đạo”, “đạo lạ” và những nội dung xấu đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam, tuyên truyền bài xích tôn giáo chính thống, tạo mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết dân tộc; bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Những cái gọi là “Thanh Hải vô thượng sư”, “Năng lượng gốc trống đồng”, “Ngọc phật Hồ Chí Minh”, “Ân điển cứu rỗi”, “Hội thánh Đức Chúa Trời”… đều là những tổ chức hoạt động trái pháp luật của Nhà nước Việt Nam, vi phạm khoản 3, Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; vi phạm điểm a, b tại khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Tại nhiều địa phương, các cấp Hội CCB phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền và các đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động và hướng dẫn hội viên CCB xây dựng trang Zalo, Facebook cá nhân trên điện thoại thông minh để tham gia viết tin, bài đấu tranh hoặc thể hiện thái độ phản đối trực tiếp với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, phản động, trong đó có các vấn đề về tôn giáo. Ngoài ra, các trang thông tin của Hội cấp xã thường xuyên chia sẻ những tin, bài có nội dung tích cực từ các Trang thông tin chính thống của T.Ư, tỉnh, huyện để lan tỏa những việc làm hay, những gương người tốt, việc tốt…
Hội CCB huyện Đông Hải (Bạc Liêu) thành lập Tổ công tác 35 Hội CCB huyện với 14 đồng chí; thành lập một tài khoản riêng của Hội để phục vụ công tác và tuyên truyền, vận động trên không gian mạng; Tổ báo cáo viên tuyên truyền của Hội gồm 22 đồng chí là những cán bộ, hội viên am hiểu về công nghệ thông tin, có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về các quan điểm của Đảng để thường xuyên viết bài, chia sẻ các bài viết, tranh luận, phản bác với các thông tin không chính xác, luận điệu xuyên tạc, những hoạt động mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống trên không gian mạng.
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Vì vậy, cùng với sự tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng, các cấp Hội CCB cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các mô hình tổ công tác tham gia bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của người dân, vừa giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp, chống mê tín, dị đoan đồng thời ngăn chặn âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Mai Phương