CCB Trương Văn Thường bên trại nuôi gà thịt.

CCB Trương Văn Thường sinh năm 1959 ở thôn Khê Ngoại 1, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, T.P Hà Nội, tháng 3-1979, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 606, Quân đoàn 29, Quân khu 3. Đến tháng 3-1982, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn vì đông anh em, nhà lại ở ngoài đê sông Hồng, cuộc sống chỉ dựa vào đặc canh sản xuất cây ngô, rau màu một vụ và rất phụ thuộc vào thời tiết. Hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng lên cao gây ngập úng 3 đến 4 tháng không sản xuất được. Gia đình ông càng thêm thiếu thốn đủ bề, muốn đầu tư phát triển sản xuất thì không có vốn.

Trước những khó khăn như vậy, ông Thường đã trăn trở rất nhiều. Vốn có 3 năm được rèn luyện trong quân ngũ nên ông không sợ khó, không sợ khổ và nung nấu ý chí quyết tâm thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Với số vốn tích cóp được, ông vay mượn thêm của người thân, bạn bè và mạnh dạn đầu tư dịch vụ thương mại, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Khi có một số vốn nhất định, ông lại nghĩ phải làm thêm công việc sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Muốn làm được thì phải có kiến thức, kinh nghiệm.

Vừa kinh doanh vật tư nông nghiệp, vừa tranh thủ thời gian đi tham quan, học hỏi thêm một số mô hình sản xuất giỏi ở các nơi khác, tìm hiểu từ các mô hình, như: Trồng hoa, hành tây, rau màu vụ đông, trồng cây ăn quả, trồng chuối, chăn nuôi gia cầm…

Năm 2010, ông đăng ký thành lập HTX sản xuất và cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi. Vốn điều lệ ban đầu chỉ có 100 triệu đồng, sau được nâng lên 160 triệu đồng.

Qua một thời gian sản xuất, ông nhận thấy, muốn sản xuất được nhiều sản phẩm bán ra thị trường thì phải có vốn đầu tư lớn và học hỏi thêm khoa học kỹ thuật. Trước những khó khăn như vậy, CCB Trương Văn Thường đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Văn Khê, Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn giúp đỡ về vốn và tổ chức tập huấn về khoa học kỹ thuật. Vận dụng được cơ hội, ông Thường luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm, chủ động sáng tạo, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh, nên HTX ngày càng phát triển.  

Đến nay, tổng số vốn của các hộ trong HTX có khoảng 50 đến 70 tỷ đồng; tổng diện tích đất cho sản xuất lên tới 120ha. Để sản xuất có hiệu quả, HTX chia làm 4 tổ chuyên canh: Tổ trồng chuối Tây Thái, chuối Tiêu Hồng, chuối Tiêu Nam Mỹ, diện tích 65ha (sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc); Tổ trồng hoa cúc, hoa hồng, hoa ly… diện tích 20ha; Tổ trồng rau màu các loại như hành tây, bí đỏ, diện tích trồng 15ha (thu hoạch hành tây 600 đến 700 tấn/năm, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc); Tổ chăn nuôi gia cầm có diện tích 20ha, luôn có khoảng 10 đến 15 vạn con gà thịt và đẻ trứng.

Hiện nay, HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động (khi thời vụ thu hút gần 200 lao động) với thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận thu về cho HTX từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Khi kinh tế gia ổn định, gia đình ông Thường dành hơn 3 tỷ đồng để cấp vốn cho các hộ gia đình trong thôn vay xây dựng chuồng trại, mua sắm vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tích cực tham gia ủng hộ các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các quỹ của địa phương.

Trao đổi với phóng viên, CCB Trương Văn Thường cho biết: “Tiềm năng của khu vực bãi đê sông Hồng ở xã Văn Khê là rất lớn, HTX Thắng Lợi cũng rất muốn mở rộng sản xuất nhưng gặp một số khó khăn như: Hệ thống điện, đường giao thông vào các trang trại chưa được đầu tư xây dựng cơ bản, vốn vay Ngân hàng CSXH còn ít, tiêu thụ sản phẩm đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào thương lái…”.

Đồng chí Lê Văn Mọc - Chủ tịch Hội CCB xã Văn Khê nhận xét: “ Là Ủy viên Thường vụ Hội CCB xã, đồng chí Thường không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn rất nhiệt tình với công tác Hội và các hoạt động của địa phương“.

Thanh Nghĩa