Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Linh

Do công việc làm báo, tôi may mắn được dự một số lần hội thảo, thăm quan các điển hình CCB tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) do T.Ư Hội CCB Việt Nam chủ trì, mới thấy bước tiến vượt bậc của phong trào mang tính nhân văn sâu sắc này.

Nếu như hơn 10 năm trước, phong trào được bắt đầu từ một Câu lạc bộ BVMT tự phát của Hội CCB phường Hòa Khánh Bắc, T.P Đà Nẵng, chủ yếu là CCB dọn vệ sinh, thu gom phế thải, “quanh xóm, quanh phường”, bằng những phương tiện thủ công, thì nay phong trào đã nhân rộng ra Hội CCB cả nước với 1.650 mô hình.

Nhưng “Phong trào đến nay đã có bước chuyển lớn về chất”. Đúng như gợi mở trong phát biểu Khai mạc của Đại tá Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam, tại Hội thảo “CCB tham gia bảo vệ môi trường 13 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ năm 2022”, vừa được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Tòng - Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo Hội CCB, các CCB điển hình trong BVMT 13 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ về dự. Đây là hội thảo thứ hai, sau Hội thảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên, được tổ chức rất thành công tại tỉnh Đăk Lăk, ngày 7-6 vừa qua.

Bước tiến trong Phong trào BVMT của CCB không chỉ được khắc họa  trong tham luận mở đầu của Hội CCB tỉnh Thanh Hóa - đơn vị đăng cai Hội thảo, do Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh - Nguyễn Tiến Quynh trình bày, mà còn được thể hiện sinh động “mắt thấy, tai nghe”, khi đại biểu dự Hội thảo về tham quan thôn Xa Thư, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đây là thôn đã xây dựng thành công “Nông thôn mới kiểu mới”. Đồng chí Trần Thị Huệ - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã báo cáo kinh nghiệm xây dựng Nông thôn mới nhấn mạnh đến vai trò của Hội CCB trong tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền; gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp và các thiết chế văn hóa của địa phương.  

CCB Nguyễn Hữu Hoạch - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (bên phải), hướng dẫn nhân dân dùng phân hữu cơ trồng chuối xuất khẩu. Ảnh: Bùi Phạm Hiến

Điển hình trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo được nghe người “khai mở” một hướng đi mới ngay trên cánh đồng quê hương, là CCB Nguyễn Hữu Hoạch - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (xã Lương Vượng, T.P Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). HTX thành lập từ năm 2006, tập hợp các CCB và con em CCB. Sau hơn 10 năm thành lập, chủ yếu thu gom, đào hố đốt rác, từ năm 2020, HTX chuyển hẳn sang phân loại rác từ đầu ngồn, ủ, chế biến làm phân hữu cơ và tái chế nhựa thành vải nilon và đồ dùng gia dụng.

Ông Hoạch nhấn mạnh: “Làm thế nào để kêu gọi được toàn dân tự giác  tham gia bảo vệ môi trường mới là điều mà HTX hướng tới. Đây cũng là yếu tố quyết định đến thành công của HTX…”. Cách của HTX là làm trước, áp dụng “ruộng hai luống” - một bón phân hữu cơ do HTX chế biến từ rác, một bón phân thông thường, sau mời dân đến “thực mục sở thị” những cây bầu, cây bí, luống rau… được bón phân hữu cơ làm từ rác thải đã mang lại sản phẩm cao gấp nhiều lần bón phân thông thường. Còn xử lý rác nhựa, HTX đến tận các trường học tuyên truyền, thuê xe mời cô giáo và các cháu học sinh về tham quan phân xưởng tái chế đồ nhựa của HTX, đầu vào là nhựa phế thải, đầu ra là các đồ dùng dân dụng. Tham quan về, dân thì phân loại rác mang đến HTX đổi lấy phân hữu cơ, còn học sinh thì thu gom đồ nhựa đổi lấy sách vở, đồ dùng học  tập… Phong trào lan ra hơn 100 tổ dân phố thuộc 12 xã, phường địa bàn huyện Yên Sơn và TP Tuyên Quang.

Cách làm có chiều sâu của HTX, được Hiệp hội DN CCB Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mời đi thuyết trình kinh nghiệm tại các nước ASEAN và HTX lọt vào tốp 10 thương hiệu mạnh về Môi trường xanh Quốc gia, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cũng với tấm lòng như CCB Nguyễn Hữu Hoạch, ông Trần Đình Tĩnh, rời quân ngũ trở về quê hương - xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình,  chứng kiến những cánh rừng già ngày ngày bị đốn hạ để lấy gỗ làm nguyên liệu đóng thuyền đi biển, ông đau như có lưỡi dao cứa vào da thịt…

Tính ra, mỗi chiếc thuyền đánh bắt gần bờ phải sử dụng 30m3 gỗ, thuyền đánh bắt xa bờ phải tiêu tốn gần 100m3 gỗ. Toàn quốc hiện có hơn 94.000 tàu cá, vậy hằng năm phải khai thác bao nhiêu gỗ để đóng tàu, thuyền?

“Tìm nguyên liệu thay thế” - một ý nghĩ lóe lên trong đầu người CCB tâm huyết. Và ông đã mầy mò đi sang cả các nước lân cận, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, kết hợp với kiến thức học được trong trường quân đội, ông tìm ra được chất liệu Composite (FRP) làm nguyên liệu đóng thuyền thay thế gỗ. Ông thành lập Công ty sản xuất FRP Miền Trung. Chất liệu FRP không chỉ thay thế gỗ đóng thuyền, mà còn được ứng dụng làm ra 30 loại sản phẩm hàng hóa khác, như bình chứa nước thải, nắp hố ga, bể tắm, bình khí Biogas... Về dự Hội thảo ở tuổi 83, ông vẫn tươi rạng, giọng nói sang sảng. Ông tự hào vì đã góp phần, không chỉ cứu rừng quê ông, mà còn góp phần cứu nhiều cánh rừng trong cả nước.

Trên đây mới chỉ là một số điển hình trong hàng chục điển hình khác, với những cách làm sáng tạo, sinh động, đổi mới về báo cáo kinh nghiệm công tác BVMT tại Hội thảo, đã khẳng định CCB tham gia BVMT vừa là yêu cầu vừa là mục tiêu cùng với cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát triển đất nước bền vững.

Bài học trong BVMT là phải thay đổi nhận thức của mọi người về môi trường. Chính vì thế, trước hết mỗi CCB phải là một tuyên truyền viên BVMT, nhằm giúp các cấp Hội vận dụng, chỉ đạo, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình CCB tham gia BVMT phù hợp với từng địa phương để đạt hiệu quả cao nhất, góp phần hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người và cho muôn người.

Huy Thiêm