CCB Nguyễn Văn Phúc nhận giải thưởng tại Giải Marathon Vì an toàn giao thông Sa Thầy - 2023.

Giải Marathon Vì an toàn giao thông Sa Thầy - 2023, được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức vào ngày 12-2-2023. Đây là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động của Năm ATGT quốc gia 2023, đồng thời kỷ niệm 110 ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9.2.1913 - 9.2.2023). Trong gần 1.000 vận động viên tranh tài ở 4 cự ly (5km, 10km, 21km và 42km), nhiều người vô cùng ấn tượng, nể trọng vận động viên CCB Nguyễn Văn Phúc. Bởi ông năm nay đã bước sang tuổi 71, là VĐV cao tuổi nhất chinh phục cự ly 42km.

Bản lĩnh, ý chí bền bỉ của Bộ đội Cụ Hồ

Với tôi, CCB Nguyễn Văn Phúc không xa lạ. Bởi từ lâu, do nhiều mối cơ duyên, tôi được nhiều CCB bộ đội Trường Sơn xem như “hội viên danh dự” của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (gọi tắt là Hội Trường Sơn), mà ông là Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Kon Tum. Có điều 5 năm về trước, tôi chỉ biết ông là một cán bộ Hội Trường Sơn mẫn cán, trách nhiệm, một doanh nhân CCB thành đạt. Chưa hề thấy ông nói gì đến chuyện chạy nhảy, nhất là tham gia các giải việt dã.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, sau một thời gian đi dân công hỏa tuyến, tham gia chống chiến tranh phá hoại, năm 1970, Nguyễn Văn Phúc nhập ngũ, là lính Trung đoàn đường ống xăng dầu 671 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Nhớ lấn được hỏi về một thời quân ngũ, ông Phúc xúc động kể: “Từ năm 1970 đến hết chiến tranh chống Mỹ, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ lắp đặt tuyến đường ống xăng dầu từ Quảng Bình vào tới Đồng Xoài, Bình Phước để cung cấp xăng dầu cho tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn và chiến trường miền Nam. Bởi vậy, tuyến đường ống được xem như động mạch chủ của cơ thể. Ngày ấy, tôi chỉ nặng hơn 40 cân, nhưng hằng ngày vẫn vác đoạn ống nặng 45 cân, băng rừng, vượt suối, đi bộ từ 15-20km. Quyết tâm của lính đường ống khi đó là dù mình có hy sinh, nhưng dòng xăng dầu phải luôn thông suốt, Bởi vậy rất nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh vì sự sống của tuyến ống xăng dầu. May mắn được sống, trở về sau chiến tranh, tôi luôn nghĩ phải làm gì cho những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại dọc tuyến đường Trường Sơn. Với ý nghĩ đó, hết chiến tranh, tôi chuyển ra công tác ở Ngành Thuế tỉnh Kon Tum, để góp phần nhỏ bé của mình xây dựng Tây Nguyên, và hy vọng làm được một việc gì để tri ân đồng đội, cho dù rất nhỏ.

Sau 27 năm công tác trong Ngành Thuế, ông Phúc nghỉ hưu. Phải mất mấy năm liền, hậu quả của chiến tranh, bom đạn, ăn rừng, ngủ núi… đã phát sinh nhiều thứ bệnh. Nhưng từ đi bộ, rồi chạy bộ, ông thấy thể lực cải thiện rõ rệt, bệnh tật giảm hẳn, trẻ trung, hoạt bát hẳn lên. Thế là, cứ tầm 3-4 giờ sáng mỗi ngày, nắng cũng như mưa, ông bắt đầu chạy, từ chạy vài ba cây số đến vài chục cây số một ngày. “Ngày nào không chạy là người bứt rứt, khó chịu” - anh Phúc tâm sự.

Mặc dù vợ con khuyên can nên chạy vừa phải…, nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính từng trải trận mạc, CCB Nguyễn Văn Phúc quyết vượt lên giới hạn của tuổi tác. Ông tâm sự: “Trên từng quãng đường chạy, tôi luôn nghĩ những ngày là bộ đội đường ống, ác liệt, gian khổ hơn nhiều mà mình có xá gì, chả lẽ nay lại chùn bước trước thử thách nhỏ bé này. Mỗi bước chạy bây giờ là chiến thắng tuổi tác, giữ vững được tinh thần, ý chí của người lính Cụ Hồ…”.

Chạy để tri ân đồng đội

Nói là bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ giúp chiến thắng tuổi tác, nhưng ông cũng sẻ chia thư thách là không nhỏ: “Những ngày đầu tập chạy đường dài rất vất vả. Nhiều lúc mệt, có cảm giác như vắt không còn một giọt sức. Nhưng ý của người lính giúp tôi tập luyện bền bỉ, nghiêm khắc, có kỷ luật…”.

Từ chạy “tự do”, Nguyễn Văn Phúc chuyển sang tham gia các giải chạy trong và ngoài tỉnh. Giải lớn và chính thức đầu tiên ông tham gia là giải bán Marathon Quy Nhơn, Bình Định năm 2020. Đã gần tuổi “cổ lai hy” mà chinh phục ngon lành cự ly 21km, CCB Nguyễn Văn Phúc khiến nhiều người nể phục. Thành tích bước đầu giúp ông có thêm động lực tiếp tục rèn luyện và tham gia các giải chạy cự ly dài.

Trong ngôi nhà gỗ bề thế mà duyên dáng tọa lạc trên con phố chính của T.P Kon Tum, ông Phúc dẫn tôi đến bên giá treo rất nhiều huy chương mà ông có được qua các giải chạy chuyên và không chuyên, minh chứng thành quả của những tháng ngày khổ công rèn luyện.

Với giải Marathong vì ATGT Sa Thầy - 2023, CCB Nguyễn Văn Phúc cho biết, ông chạy không chỉ cho mình mà còn để tri ân những đồng đội đã chiến đấu, hy sinh anh dũng ở Sa Thầy trong chiến dịch Xuân hè 1972. Không giấu được xúc động, ông tâm sự: “Hồi đó, bộ đội ta cõng ba lô trên lưng cùng với nhiều thứ vũ khí, trang bị khác vẫn hăng hái xung phong đánh chiếm điểm cao đồi Delta, đồi Charli… Trong giải Marathon lần này, vận động viên tái hiện lại cung đường hành tiến năm xưa của người lính, để cảm nhận được phần nào những gian khổ, ác liệt mà thế hệ đi trước đã trải qua và rất nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Tôi cũng muốn chứng tỏ, sau 50 năm, đôi chân của những CCB vẫn có thể vượt dốc, để lên thắp cho đồng chí, đồng đội mình nén hương; đó cũng là cách giáo dục truyền thống hiệu quả đối với thế hệ con cháu…”.

Mong muốn của CCB Nguyễn Văn Phúc hiện nay là vận động tập hợp những người có sở thích chạy bộ, đặc biệt là những CCB nêu gương, để thành lập Hội Chạy bộ của tỉnh Kon Tum, cùng nhau rèn luyện sức khỏe, nhân rộng phong trào chạy bộ trong mọi lứa tuổi của địa phương.

Duy Nguyễn