Huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có 6 xã sát biên giới, với đường biên giới dài 47km, trong đó có 6km là đường sông, tiếp giáp với 3 huyện Rumduong, Romehet, Svaytiep, thuộc tỉnh Svayrieng (Campuchia). Tuyến biên giới của huyện được phân định, cắm 16 cột mốc chính và 63 cột mốc phụ. Địa bàn huyện có 3 đồn Biên phòng Phước Tân, Ninh Điền và Vàm Trảng Trâu; 3 cửa khẩu, trong đó có 1 cửa khẩu chính. Ngoài ra còn thành lập 4 trạm, 6 chốt bố trí cặp tuyến biên giới. Đường biên giới dài lại có cả đường sông và nhiều đường mòn, lối mở để người dân qua lại dễ dàng. Vì vậy, tình hình trên tuyến biên giới của huyện còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, như người dân qua lại không đúng quy định, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, vi phạm quy chế biên giới... thường xuyên xảy ra.  Đáng chú ý là những năm gần đây một số đảng phái phản động ở Campuchia luôn xúi dục, kích động người dân sinh sống sát biên giới gây rối an ninh - chính trị nhằm chia rẽ nội bộ, gây hận thù dân tộc. Cùng với đó, gần Cửa khẩu Phước Tân, phía Campuchia mở casino và trường gà hoạt động 24/24 giờ. Chưa kể một số doanh nghiệp nước ngoài mua đất sát biên giới mở nhà máy, xí nghiệp. Những năm qua, chính quyền địa phương phát động nhiều phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Đặc biệt, các đồn biên phòng luôn xây dựng thế trận lòng dân nên tình hình an ninh chính trị, TTATXH trên tuyến biên giới cơ bản ổn định.

Qua việc phối hợp kiểm tra các chốt biên giới với các ngành chức năng, Hội CCB tỉnh Tây Ninh nhận thấy những phức tạp còn tiềm ẩn trên tuyến biên giới và những khó khăn, bất cập trong bảo vệ đường biên. Trong khi Hội CCB các xã biên giới có nhiều hội viên rành tiếng Khmer lại am hiểu các phong tục tập quán của người Campuchia. Từ đó, tỉnh Hội quyết định thành lập mô hình “CCB phối hợp tham gia bảo vệ cột mốc biên giới” và lấy Hội CCB huyện Châu Thành làm thí điểm.

Đại tá Thái Văn Thông - Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành cho biết:

- Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy và Ban dân vận Huyện ủy, huyện lên kế hoạch phối hợp để thông qua Hội CCB tỉnh và Ban dân vận Huyện ủy. Ngày 5-4-2018, Hội CCB huyện chủ trì Hội nghị ký kết với các đồn Biên phòng, các trạm, chốt trên địa bàn từng xã. Hội nghị có sự tham dự của Ban CHQS, Công an, Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương các xã, ấp sát biên giới cùng các già làng là người Khmer. Có sự phối hợp của đủ các thành phần như vậy thì mô hình mới tạo được một thế trận lòng dân vững chắc.  

Sau một năm thực hiện, mô hình phát huy tốt kế hoạch phối hợp đề ra. Tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ biên giới hàng ngàn lượt người dân tham dự. Hằng tháng, quý, các đồn Biên phòng phối hợp với lực lượng tham gia, trong đó CCB chủ trì tổ chức tuần tra quan sát dọc đường biên giới, thực hiện nghi lễ chào cột mốc, nắm tình hình ANCT, TTATXH trên tuyến và làm vệ sinh để các cột mốc không bị che khuất tầm nhìn.  

Cùng với đó, các đồn Biên phòng đưa đảng viên về tham gia sinh hoạt tại chi bộ các ấp biên giới và cử cán bộ tham dự sinh hoạt định kỳ của Hội CCB các xã biên giới. Hội CCB các xã cung cấp cho bộ đội Biên phòng 12 tin có giá trị, kịp thời đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trên toàn tuyến biên giới. Bộ đội thực hiện công tác dân vận thuận lợi hơn với các chương trình “Mái ấm biên cường”, “Quân y về làng”, “Nâng bước em đến trường”... Đặc biệt, được sự đồng ý của chính quyền các địa phương bạn, Hội CCB huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều đoàn y, bác sĩ sang khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân nghèo Campuchia. Ngược lại, Hội CCB phía Campuchia cung cấp thông tin, giúp đỡ các Đội cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ của Việt Nam.

Ngày 20-9-2019, Hội CCB huyện Châu Thành tổ chức Hội nghị sơ kết sau hơn 1 năm thực hiện mô hình. Các ý kiến tại Hội nghị đều đánh giá cao những kết quả đạt được và nêu nhiều kinh nghiệm để mô hình ngày càng hoàn thiện, vững chắc hơn. Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Hội - Kiều Văn Hùng cho rằng, đường biên giới dài, đi lại khó khăn, có cả đường sông nên việc đi tuần tra cần phải chọn các đồng chí mạnh khỏe, nhất là các cựu quân nhân. Lưu ý chọn người giỏi tiếng Khmer để thuận lợi trong giao tiếp. Còn đồn Trưởng đồn Biên phòng Phước Tân - Ninh Hồng Tuấn thì đề nghị nên tổ chức họp mỗi quý để rút kinh nghiệm kịp thời. Mặt khác, phải kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình.

Tại Hội nghị, ông Thân Văn Nhân - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã chỉ đạo cho lãnh đạo 6 xã biên giới phải đôn đốc các tổ chức được phân công tích cực tham gia mô hình; thường xuyên tuyên truyền cho người dân chấp hành tốt các quy định về bảo vệ đường biên, cột mốc và tạo mọi điều kiện để mô hình làm tốt nhiệm vụ của mình. Thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Thân Văn Nhân trao Giấy khen của UBND huyện cho 3 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình “CCB phối hợp với các đồn Biên phòng tham gia bảo vệ cột mốc biên giới”.

Bài và ảnh:  Thanh Hà