Bản miền núi Vân Kiều Cửa Mẹc, xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình hôm nay có nhiều đổi thay. Người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết sinh đẻ có kế hoạch, cái đói cái nghèo dần giảm đi... Nhờ đó, các tập quán hủ tục lạc hậu cũng dần bị loại bỏ, an ninh trật tự ở miền biên cương được giữ vững.

Những đổi thay đó bắt đầu từ khi bản Vân Kiều có thủ lĩnh già làng, người có uy tính làm nòng cốt để tạo sự đổi thay. Già làng trưởng bản đó được bà con trong bản kể bằng sự quý trọng. Đó là CCB Hồ Chí Trọng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng Trường Sơn, 18 tuổi tham gia cách mạng, được giao nhiệm vụ làm giao liên, cụ Hồ Chí Trọng đã có hàng trăm chuyến dẫn đường cho bộ đội hành quân vào Nam, ra Bắc. Năm 1970, cụ cùng 15 dân quân của bản tham gia chữa cháy cứu hàng ở Phân trạm 162, Binh trạm 16, Đoàn 559; vận động các hộ trong bản bám rẫy, trồng bầu, bí, chuối xanh... bán cho bộ đội Binh trạm 16 hàng chục tấn. Cụ được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Năm 1990, cụ Trọng vận động 25 gia đình trong bản xuống núi định cư, lập bản mới ở Cửa Mẹ và được bà con tín nhiệm bầu giữ các chức Phó công an xã, Chủ nhiệm HTX; đặc biệt, chức Già làng đặt lên vai cụ nhiều năm đến tận bây giờ.

Ở vùng đất nham nhở hố bom đạn, cùng với nghèo khó còn có các phong tục, tập quán lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức bà con như: chặt phá, đốt rừng lấy gỗ... Cụ đi từng nhà vận động bà con khai hoang làm ruộng nước, lấp hố bom làm hồ nuôi cá, khai hoang đất màu trồng sắn khoai, nhận đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc...

Cụ Trọng kể:

- Tôi còn nhớ, đợt rét đậm, rét hại năm 2012, lúa chết, người Vân Kiều chưa biết cấy, dặm, tỉa, tôi về Phòng Nông nghiệp đề xuất. Phòng cử cán bộ về hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, một thời gian ngắn bà con Vân Kiều biết cấy, biết dặm tỉa...

Sự cần mẫn của bà con được đền đáp, khi đất không phụ lòng người, năm đó được mùa, sản lượng đạt 48 tạ/ha. Có lúa giáp hạt không thiếu ăn bà con không đói nữa.

Sau 30 năm khai sơn phá thạch, 160ha đất trống đồi trọc Cửa Mẹc hôm nay đã khoác lên mình màu xanh mướt của sự sống. Bình quân mỗi hộ có 2ha, khai hoang phục hoá 40ha làm ruộng mỗi năm 2 vụ, đào 10ha ao nuôi cá, rồi phát triển nuôi gia súc, gia cầm... nên bà con ổn định được cuộc sống. Có hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm, có tiền xây nhà tường gạch, mua sắm tiện nghi đầy đủ như: Xe máy, ti vi, bếp ga, tủ lạnh, điện thoại. Con cái đến tuổi đi học, nhiều em thành đạt trên mọi miền Tổ quốc.

Hiện nay bản không có hộ đói, hộ nghèo giảm dần, hộ khá ngày càng tăng. Đất lành chim đậu, từ 25 hộ ban đầu khi ở trên non xuống lập bản, nay có 83 hộ, hơn 700 nhân khẩu, có gần chục hộ dân từ miền Bắc đến định cư. Hai dân tộc sống thương yêu đoàn kết như anh em ruột thịt, chấp hành mọi chính sách pháp luật của Nhà nước, góp công góp của làm đường giao thông nội bản trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã luôn được chú trọng. Trật tự an ninh trong bản được giữ vững giúp bà con yên tâm làm ăn và xây dựng bản làng biên cương ngày càng giàu mạnh.

Lê Văn A