Lãnh đạo Hội CCB và Hội Doanh nghiệp CCB của thị xã tham quan xưởng mộc của doanh nhân CCB Võ Hồng Hiệu.
Trở về sau năm tháng trên chiến trường, những CCB, CQN thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang đều khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhiều người mang theo thương tật. Thế nhưng, với ý chí quyết tâm vượt khó của người lính, họ tiếp tục tỏa sáng trên mặt trận mới.
Với 23 hội viên, Hội Doanh nghiệp CCB thị xã Gò Công là nơi các doanh nhân CCB cùng nhau trao đổi, tư vấn, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, Hội tổ chức cho hơn 550 lượt hội viên CCB, CQN nghe tuyên truyền Luật Doanh nghiệp, Luật HTX...; thường xuyên phối hợp với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội CCB thị xã gặp trực tiếp các hội viên CCB, CQN có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi vừa và nhỏ để tuyên truyền, vận động tự nguyện tham gia vào Hội. Đồng chí Lê Văn Rem - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp CCB thị xã Gò Công cho biết: Hội có 9 doanh nghiệp có thu nhập bình quân từ 1-8 tỷ đồng/năm, còn lại các sở sản xuất, kinh doanh khác có mức thu nhập bình quân từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, tiên phong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, xã hội mà các hội viên của Hội Doanh nghiệp CCB thị xã Gò Công còn tích cực tham gia hoạt động xã hội thiện nguyện.
Điển hình như doanh nghiệp tư nhân Hồng Hiệu, ở ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, do doanh nhân CCB Võ Hồng Hiệu làm Giám đốc, chuyên sản xuất kinh doanh và chế biến gỗ. Hằng năm, ông cùng Công ty đóng góp gần 1 tỷ đồng sửa chữa, xây Nhà đồng đội cho CCB, CQN và nhân dân trên địa bàn thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông; tham gia hiến đất mở rộng đường, kinh phí làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi tại địa phương; thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo…
Chia sẻ về việc tham gia tích cực trong công tác an sinh xã hội, doanh nhân CCB Võ Hồng Hiệu cho biết: Bản thân ông từng chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia nên hiểu rõ sự khó khăn của đồng đội. Đặc biệt, lực lượng thợ mộc từ 30 đến 35 nhân công trực tiếp làm việc tại xưởng của ông chủ yếu là CCB và CQN, vì vậy khi làm kinh tế khá giả, ông muốn tri ân đồng đội, quê hương. Hằng năm, ông trích ra hàng trăm triệu đồng lợi nhuận thu được từ sản xuất, kinh doanh làm công tác xã hội, giúp đỡ đồng đội và con em CCB, CQN trên địa bàn…
Các hội viên còn ủng hộ kinh phí làm đường giao thông, cống thoát nước; sửa chữa hàng chục nhà tình thương, nhà đồng đội; xuất hàng chục tấn gạo cứu trợ; tặng hàng nghìn chiếc khẩu trang trong mùa dịch Covid-19, hàng nghìn quyền vở cho học sinh nghèo…
Không những thế, Hội Doanh nghiệp CCB thị xã Gò Công còn quan tâm chăm lo đời sống hội viên và nhân dân như giới thiệu, tạo việc làm cho 320 lao động; trong đó, 40% là con em CCB, CQN vào làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của CCB và các công ty, xí nghiệp bên ngoài, có mức thu nhập ổn định từ 6-15 triệu đồng/người/tháng. Đồng chí Lê Văn Rem cho biết: Thời gian tới Hội sẽ liên kết với Quỹ tín dụng Long Hòa huy động vốn nhàn rỗi của hội viên Hội Doanh nghiệp CCB thị xã để ưu tiên cho hội viên CCB, CQN thị xã có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Doanh nghiệp CCB thị xã sẽ phát triển 31 hội viên; không có hội viên vi phạm pháp luật về gian lận thương mại, lao động, thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường...; 100% hội viên tham gia đầy đủ trách nhiệm xã hội, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Đánh giá về kết quả Hội Doanh nghiệp CCB, Chủ tịch Hội CCB thị xã Gò Công - Đỗ Văn Riều khẳng định: Hội Doanh nghiệp CCB thị xã đã tập hợp, đoàn kết, hợp tác, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, giúp các CCB giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, tham gia hoạt động tình nghĩa trên các địa bàn. Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng doanh nghiệp CCB đã phấn đấu vươn lên, tự khẳng định mình, tỏa sáng trên mọi mặt trận.
Minh Vũ