Đại diện Hội CCB tỉnh Thanh Hóa trao tiền hỗ trợ làm nhà "Nghĩa tình CCB" cho hội viên tại xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn.
Quan Sơn là một huyện miền núi nghèo, nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hoá, có gần 44.000 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Thái, Mông, Mường, Kinh cùng sinh sống. Huyện có 1 thị trấn, 11 xã, trong đó có 6 xã (gồm 16 thôn, bản) tiếp giáp biên giới với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Địa bàn huyện rộng, rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; mặt bằng dân trí không đồng đều; trong số hơn 2.500 hội viên, số hộ CCB nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ trên 50%; các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, di cư tự do, vượt biên trái phép, buôn bán, vận chuyển hàng cấm qua biên giới… luôn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, khó lường về ANCT, TTATXH.
Từ những đặc điểm tình hình trên, Hội CCB huyện Quan Hóa luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 12 của Huyện ủy Quan Sơn về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững, gắn với xây dựng Nông thôn mới” để đề ra chỉ tiêu và tổ chức phong trào thi đua “CCB gương mẫu”.
Với phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội phối hợp mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cây, con giống có năng suất cao; vận động CCB khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; xóa bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi. Đến nay, toàn huyện có 275 hộ gia đình CCB làm kinh tế rừng, ao, chuồng đạt hiệu quả. Một số thành lập doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, làm tăm mành, nguyên liệu giấy... Tiêu biểu như các CCB: Vi Văn Loan, Nguyễn văn Sơn (xã Na Mèo), Bùi Đình Thảo (xã Trung Hạ), Lữ Văn Tiên (xã Sơn Thủy)...
100% chi hội CCB trong huyện đều có quỹ, với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng, đạt mức bình quân 1 triệu đồng/hội viên. Hội còn triển khai mô hình “Mỗi gia đình CCB có ít nhất một sổ tiết kiệm từ 50 triệu đồng trở lên”, với hơn 1.500 hộ tham gia, đã nâng cao ý thức tiết kiệm trong chi tiêu, tích luỹ, phòng thân, làm việc lớn.
Trong 4 năm triển khai mô hình “CCB luân phiên giúp nhau đổ bê tông nền nhà sàn và làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh”, CCB trong huyện bê tông hóa 535 nền nhà sàn, làm được 460 công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, với tổng số tiền huy động luân phiên hơn 15 tỷ đồng và gần 2.000 ngày công.
Từ quỹ đóng góp 2.000 đồng/tháng của hội viên do Hội CCB tỉnh phát động, trong 5 năm, Hội hỗ trợ làm mới, sửa chữa 17 nhà “Nghĩa tình CCB” cho hội viên khó khăn, với tổng số tiền 800 triệu đồng và hơn 1.500 ngày công. Huy động hàng nghìn ngày công của CCB tham gia di dời nhà ở, khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét tại xã Na Mèo, Tam Thanh, thị trấn Sơn Lư.
Hội phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an, Kiểm lâm tuyên truyền, vận động CCB và nhân dân tuân thủ các quy định pháp luật, tham gia các hoạt động tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; bảo vệ, phòng, chữa cháy rừng; đấu tranh ngăn chặn việc di cư tự do, truyền đạo trái phép, vận chuyển hàng cấm qua biên giới..., góp phần giữ ANTT khu vực biên giới.
Hội CCB huyện Quan Sơn phối hợp với Hội CCB huyện Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn - Lào) thường xuyên thăm hỏi, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động Hội; kinh nghiệm giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế… Đặc biệt là các tin báo về ANCT, TTATXH trên địa bàn giáp biên. Cùng với cấp uỷ, chính quyền 6 xã biên giới huyện Quan Sơn và các cụm bản huyện Sầm Tớ, Viêng Xay tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, thắm tình đoàn kết, hữu nghị, nhân các ngày lễ, Tết của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em.
Bài, ảnh: Phạm Văn Thân