Báo tháng 9 -Rừng Amazon  là khu vườn bảo tồn đa dạng sinh thái lớn nhất địa cầu, có diện tích gần bằng 1/2 nước Mỹ; là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, tạo ra gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển trái đất. Những cánh rừng nguyên sinh tại đây mang ý nghĩa sống còn trong nỗ lực giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Đó cũng là mái nhà của vô số các loài động vật và thực vật mà các nhà khoa học thậm chí còn chưa đặt tên hết.

Vậy mà “lá phổi xanh của thế giới” lại vừa trải qua thảm họa khủng khiếp: bị “thần lửa” đốt trụi. Theo các nhà khí tượng Brazil, các đám cháy hiện tại ở Amazon lớn đến mức khói đen từ rừng rậm đã lan tận sang Paulo, cách hơn 2.700 km.  Giữa trưa ngày 20-8 khói bụi che lấp ánh nắng, khiến bầu trời bỗng dưng sập tối, biến ngày thành đêm.

Chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) cùng ngày công bố một báo cáo cho thấy khói bụi từ cháy rừng Amazon đang lan rộng kinh hoàng, từ Brazil đến tận phía đông Đại Tây Dương. Khói đen bao phủ gần 1/2 đất nước rộng lớn Brazil, lan sang cả các láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay. Theo nghiên cứu của INPE, những ngọn lửa đang nuốt chửng rừng mưa nhiệt đới Amazon với tốc độ 1,5 sân bóng đá mỗi phút...

Với vai trò quan trọng mang tính sống còn như thế đối với tất cả mọi người trên thế giới, ấy vậy mà buồn thay phải hơn 3 tuần sau khi những ngọn lửa hung tàn đã tàn phá càn quét không cách gì cản nổi; khi ấy các lãnh đạo thế giới cùng với hệ thống truyền thông, báo chí mới lên tiếng một cách hờ hững và đầy yếu ớt.

Chỉ đến mãi ngày 22-8 vừa rồi, khi Tổng thống Pháp Macron lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế và chính quyền của Tổng thống Bolsonaro (Brazil) phải nhanh chóng ra tay can thiệp ngăn chặn thảm họa, thì lúc đó người dân trên thế giới mới ồn ào ngạc nhiên vì một thảm họa khủng khiếp như vậy xảy ra mà chẳng ai hay.

Tình trạng phá rừng để khai thác gỗ và phát triển nông nghiệp là mối đe dọa lớn nhất với rừng Amazon.

Đài quan sát Khí tượng Thủy văn của Brazil cho rằng các vụ hỏa hoạn là chỉ dấu rõ rệt cho các chính sách của ông Bolsonaro và phản ánh sự thiếu trách nhiệm của Tổng thống. Đúng như một bình luận đã viết: "Những đám cháy bùng lên bởi lòng tham, được thúc đẩy bởi sự tham nhũng, khó dập tắt hơn nhiều so với những vụ hỏa hoạn khác".

Nhớ lại tháng 4 năm nay, giữa thủ đô Paris hoa lệ, Nhà thờ Đức Bà cổ kính chỉ bị cháy và sụp đổ mất phần ngọn của tháp, thiệt hại về người và của gần như không đáng kể, thì  ngay lập tức số tiền quyên góp đã lên đến hơn 1 tỷ Euro.

Các nghệ sĩ, giới tài phiệt và người nổi tiếng khắp nơi tiếc thương cho biểu tượng của nước Pháp. Truyền thông quốc tế thi nhau đưa tin chỉ vài phút sau khi ngọn lử bốc lên. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng khác hẳn với rừng Amazon cháy... Đúng như câu thành ngữ “nhà giàu đứt tay, ăn mày sổ ruột”.  

"Có một số vụ hỏa hoạn quan trọng hơn các vụ khác" là kết luận đầy mỉa mai của những người so sánh sự lan tỏa truyền thông của vụ cháy rừng Amazon với vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris cách nhau chưa đầy 4 tháng!

Sự “bất công”, “thiên vị” này có thể giải thích một cách đơn giản rằng, Nhà thờ Đức Bà Paris từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa, kiến trúc tráng lệ, là ước mơ của mọi người trên khắp thế giới được chiêm ngưỡng kì quan kiến trúc này một lần.

Có thể nói vai trò của Nhà thờ Đức bà Paris là đem lại món ăn giá trị tinh thần ở mức cao nhất cho con người như một nữ ca sĩ xinh đẹp và tài năng được khán giả vỗ tay nhiệt liệt, luôn sống trong ánh hào quang của danh vọng được cả thế giới quan tâm. Còn những cánh rừng Amazon to lớn, xù xì, thô kệch và đầy hoang dã tuy không đẹp và tráng lệ về mặt thẩm mỹ, nhưng lại như một người công nhân vệ sinh lặng lẽ đứng đằng sau cánh gà để đảm bảo một cuộc sống sạch sẽ, tiện nghi đầy đủ cho tất cả mọi người thưởng thức âm nhạc.

Công chúng và xã hội có lẽ chỉ quan tâm tới những giá trị bề nổi của xã hội như hình ảnh mỹ lệ của Nhà thờ Đức Bà Paris, mà lãng quên đi vai trò tối quan trọng của rừng Amazon đối với sự sống của họ hằng ngày.

Đó là chưa nói, Nhà thờ Đức Bà Paris suy cho cùng cũng chỉ là hào quang của quá khứ, nhưng rừng rậm Amazon chính là tương lai của chúng ta và của con cháu chúng ta sau này.

Trong một thế giới mà con người chỉ tập trung vào những giá trị vật chất, xa hoa, phù phiếm, thì người ta dễ quên đi những giá trị cốt lõi của cuộc sống.

Các nhà chính trị - như Tổng thống Bolsonarocủa Brazil, cũng chỉ tối ngày lo thực hiện phát triển kinh tế; nhưng lại hoàn toàn lãng quên đi vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ những giá trị sống căn bản của thế giới này.

Có một sự thật đáng buồn rằng khi con người ta đã quá yên ổn với một cuộc sống viên mãn và đầy đủ, thì lúc ấy họ dường như lãng quên đi những yếu tố căn bản, tối quan trọng đã tạo ra cuộc sống hằng ngày của mình.

Hy vọng sau bài học đau đớn về thảm họa cháy rừng Amazon, các lãnh đạo thế giới hãy cảnh tỉnh nhân loại toàn cầu về vai trò và tầm quan trọng trong việc bảo vệ những “lá phổi xanh” của thế giới.

HỒNG NGUYÊN