Những ngày đầu năm này, cả nước ta đang đứng trước một mùa khô hạn khốc liệt, nhiều địa phương đã nhiều tháng nay chưa xuất hiện mưa, hoặc mưa với lượng vô cùng nhỏ; thời tiết nóng nắng, độ ẩm thấp, mực nước các sông, nhất là các sông lớn xuống rất thấp. Mực nước sông Hồng ngày 21-2 đã xuống mức kỷ lục, có chỗ chỉ còn 0,1m… Cùng với các vấn đề cấp bách đề ra cho trồng trọt thì tình trạng khô hạn hiện nay đang đặt ra cho các địa phương có rừng nguy cơ tiềm ẩn xảy cháy trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cả về vật chất lẫn môi trường.
Vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần vừa qua cho thấy, đây là một vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây ở Tây Bắc, thiệt hại chỉ sau vụ cháy rừng quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ vào năm 2002; gây thiệt hại khoảng 1.000 ha rừng và phải huy động một lực lượng gần 3.000 người tham gia cứu hộ, sau 8 ngày mới cơ bản dập được lửa… gây thiệt hại lớn về nhiều mặt. Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống cháy rừng T.Ư, từ tháng 10-2009 đến nay, thời tiết hanh khô kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm, trung bình mỗi ngày, cả nước xảy ra 2-3 vụ cháy rừng lớn nhỏ, gây thiệt hại to lớn về rừng, về cơ sở vật chất, ảnh hưởng môi trường… Mùa khô còn dài nên những tác hại do cháy rừng sẽ càng lớn hơn. Không chỉ các khu rừng nguyên sinh ở Tây Bắc, các khu rừng thuộc Tây Nam Bộ, Tây Nguyên hiện cũng đang đặt trong tình trạng báo động đỏ do thời tiết hanh khô như ở An Giang có 12.000 ha, Cà Mau 21.000 ha… có thể xảy cháy bất cứ lúc nào. Nhiều chi cục kiểm lâm các địa phương đã yêu cầu đóng cửa rừng với những quy định cụ thể để kiểm soát tình hình, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy cháy, bảo vệ rừng và cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong khu vực.
Có nhiều nguyên nhân cả về chủ quan lẫn khách quan gây cháy rừng gây thiệt hại lớn, song yếu tố con người vẫn là chính. Từ góc độ công tác phòng chống cháy rừng, lâu nay chúng ta đã chuẩn bị, tập huấn khá nhiều nhưng trên thực tế ở các địa phương, khi xảy ra cháy rừng thật đã bộc lộ những sai sót “chết người” như việc thiếu các công cụ phòng chữa cháy cơ bản hoặc các công cụ này tuy có nhưng không sử dụng được do công tác duy tu bảo dưỡng kém, hoặc đã bị sử dụng vào mục đích khác; không có nguồn nước để dập lửa; nhiều địa phương lơ là chủ quan với yêu cầu thường trực phòng chống cháy rừng, có nơi khi xảy cháy rừng rất lâu mới tập trung được lực lượng cứu hộ… Công tác “bốn tại chỗ” bị xem nhẹ, luôn ở trong tình trạng “nước đến chân mới nhảy” không kịp đối phó hiệu quả với tình huống xảy ra. Mặt khác, nguyên nhân cháy rừng chính là do ý thức của người dân sở tại vì lợi ích cá nhân khi đi đốt nương làm rẫy hoặc vào rừng bắt tổ ong, châm lửa rồi bỏ mặc lửa cháy, gây cháy rừng diện rộng. Đây là nguyên nhân cơ bản gây các vụ cháy rừng, chiếm đến 60-70% tổng số các vụ cháy rừng ở nước ta.
Trách nhiệm từng người, từng đơn vị được xem xét cụ thể sau mỗi vụ việc, nhưng vấn đề là chúng ta cần chủ động trong công tác phòng ngừa, không để xảy cháy hoặc nếu xảy cháy rừng thì phải hạn chế mọi thiệt hại đến mức thấp nhất; do đó công tác “bốn tại chỗ” cần được kiểm tra thực hiện thường xuyên, có kết quả thực tế, các phương tiện, công cụ hỗ trợ cần được bổ sung trang bị mới… Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân vùng núi biết cách đốt rẫy như từ trên cao xuống dưới, từ cuối nguồn gió lên, có biện pháp và nhân lực chủ động khống chế tình hình không để gây cháy rừng trên diện rộng hoặc áp dụng các biện pháp làm rẫy, bắt ong không bằng phương pháp đốt rừng, có trách nhiệm theo dõi, xử lý kịp thời suốt trong quá trình đốt lửa. Những người không có công việc cần thiết thì không nên vào rừng. Đặc biệt, các du khách vào rừng trong mùa lễ hội cần được quản lý, nhắc nhở thường xuyên về việc dùng lửa trong rừng. Nếu làm được như vậy, chắc hẳn nạn cháy rừng sẽ giảm rất nhiều và khu vực xảy ra cháy sẽ được khống chế nhiều hơn, giảm được các thiệt hại to lớn do cháy rừng gây nên.
Phòng chống cháy rừng là công việc cấp thiết và không của riêng ai .
LÊ DOÃN CHIÊU