Nhan nhản các fanage, trang cá nhân mời gọi nhà đầu tư tham gia bỏ tiền kinh doanh mà chả biết họ kinh doanh lĩnh vực gì…
Dù báo, đài đưa tin nhiều về những chiêu thức huy động vốn của một số doanh nghiệp thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư, khiến cho các nhà đầu tư sau khi “rót tiền”, đến thời hạn thanh toán hợp đồng góp vốn khó có thể rút ra như đã ký kết.
Có thể kể ra một số công ty huy động vốn như Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Thăng Long Việt Nam; hay như công ty hoạt động dưới dạng mô hình đa cấp của Tập đoàn đa cấp Thăng Long… diễn ra trong thời gian qua…
Theo đó, hàng trăm nhà đầu tư của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Thăng Long Việt Nam đang rơi vào tình cảnh khốn đốn, khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư phân chia lợi nhuận trên 30% với doanh nghiệp này, nhưng sau một thời gian, lãi cũng không có mà gốc cũng không thể lấy về được.
Sau nhiều lần khất nợ, trốn tránh khách hàng, đầu tháng 5-2023, Công ty Thăng Long đã chủ động mời các nhà đầu tư đến gặp mặt để đối thoại về kế hoạch thanh toán. Tuy nhiên, buổi đối thoại diễn ra nhưng không đạt được kết quả, khi Công ty Thăng Long không nhận được sự đồng tình của các nhà đầu tư vì không giải trình được cụ thể về tình hình hoạt động kinh doanh và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Còn các nhà đầu tư vẫn không nhận lại được tiền…
Trước chất vấn của nhà đầu tư, đại diện Công ty Thăng Long cho biết đã dùng số tiền 200 tỷ đồng từ hợp tác kinh doanh để đầu tư cho dự án bất động sản ở Lương Sơn (Hòa Bình)...
Hay trước đó, trong vụ án Tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng đã bị VKSND Tối cao truy tố. Nhưng điều khiến dư luận xã hội quan tâm tìm hiểu là bằng cách nào mà các bị can trong vụ án này lại có thể dễ dàng "gài bẫy" 36.000 bị hại để chiếm đoạt hơn 706 tỷ đồng.
Theo cơ quan chức năng, một trong những cách thức Thăng Long Group “gài bẫy” được số lượng người sập bẫy lớn như vậy là bởi dàn lãnh đạo tập đoàn này tự tô hồng, khuếch trương, quảng cáo Thăng Long Group như là một tập đoàn hùng hậu. Bên cạnh đó, bản thân những người bị hại cũng quá nhẹ dạ, đặt nhầm niềm tin vào các chương trình khuyến mại với lợi nhuận cao tới mức phi lý.
Quay trở lại vụ huy động tiền của Công ty Fibo Việt Nam như Báo CCB Việt Nam đã đưa tin về trường hợp ông P.M.C., trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), vào đầu năm 2022, ông này đã đầu tư 500 triệu đồng vào Công ty Fibo, đổi lại phía Công ty cam kết trả lãi suất lên tới 13,55%/năm, cao hơn lãi suất gửi ngân hàng, khiến ông C. sập bẫy.
Điều đáng nói, sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, ông C. đã không xem lại các qui định trong hợp đồng và gặp gỡ trực tiếp bộ phận quản lý của Công ty Fibo để cùng xem dòng tiền đầu tư của mình bỏ vào được Fibo sử dụng ra sao.
“Sau khi ký hợp đồng và được cấp 1 Giấy chứng nhận đầu tư, phía Fibo cũng không có thông báo, trao đổi gì về số tiền tôi đã bỏ vào đầu tư. Bẵng đi, hết thời hạn hợp đồng, khi đến Fibo đề nghị thanh toán thì mới vỡ lẽ … công ty đưa ra một loạt khó khăn…, nên chưa có nguồn thanh toán. Cả gốc và lãi đến hạn thanh toán tôi cũng không nhận được đồng nào…” - ông C. rầu rĩ nói.
Ngoài ông C., nhiều khách hàng khác cũng chung hoàn cảnh tương tự như ông C khi kí hợp đồng hợp tác đầu tư với Fibo. Đơn cử như trường hợp bà N. T. H.; ông Đ. T. H và bà V. T. T. H. cùng ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng đã nhiều lần làm việc với ban lãnh đạo Fibo về khoản hợp tác đầu tư đã quá hạn nhưng không được thanh toán.
Cụ thể, Hợp đồng của bà N.T.H đến hạn thanh toán vào ngày 23-12-2022 và Hợp đồng của vợ chồng ông Đ.T.H và bà V.T.T.H (ký 4 hợp đồng) với số tiền đầu tư vào Fibo 600 triệu đồng, đến hạn thanh toán vào cuối tháng 12-2022 và đầu tháng 1-2023 nhưng cũng không thể nhận được gốc và lãi.
Đổi lại, tương tự như ông C. ở quận Thanh Xuân, hầu hết những người ở Gia Lâm cũng nhận được phương án chuyển đổi thỏa thuận hợp tác thành tài sản có giá trị trong hệ sinh thái Fibo (giá chuyển đổi theo mức định giá đối với từng loại tài sản) hoặc gia hạn thêm thời gian hợp tác từ 6-12 tháng.
Không chỉ các trường hợp huy động vốn dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư, gần đây, trên trang mạng internet cũng xuất hiện nhan nhản các fanpage, trang facebook cá nhân mời gọi đầu tư tiền với lãi suất cao.
Ví như, fanpage Melisa Nga mời gọi bỏ 100.000 đồng mỗi ngày, nhưng thu về tới 200.000-250.000 + bảo hành vốn gốc. Thậm chí những kiểu mời gọi “có cánh” của các trang Galaxy S7, BB shop2, Mosa ston… để các nhà đầu tư sập bẫy như bỏ vốn 180.000 đồng, thu về 350.000-550.000, cộng được khuyến mại 65.000 đồng; bỏ 365.000 đồng đầu tư, thì được thu về 650.000-950.000 đồng, cộng với khuyến mãi vào tài khoản cá nhân được lập 100.000 đồng…
Theo luật sư Nguyễn Công Hiếu - Công ty Luật Techco Hà Nội: Về bản chất các Giấy chứng nhận đầu tư như của Fibo nó giống như một giấy nhận nợ. Giấy này doanh nghiệp họ tự đẻ ra, không có qui định nào như thế cả.
“Khi đã không thể trả được nợ, chỉ có cách kiện nhau ra Tòa án phân xử, nhưng cũng không biết đến khi nào mới đòi lại được tiền đã đầu tư. Trường hợp Fibo ký hợp đồng hợp tác với các khách hàng trên nó giống như mô hình hợp tác góp vốn đầu tư của Công ty CP BĐS Nhất Nam vừa qua…” - LS. Hiếu đánh giá.
Vì vậy, các nhà đầu tư cần cảnh tỉnh trước chiêu trò mời gọi vốn đầu tư! Vì khi cho họ sử dụng đồng tiền của mình mà không biết khả năng kinh doanh của họ ra sao; đánh giá rủi ro đầu tư ra sao thì chỉ có thiệt thân.
Khuyến cáo về vấn đề trên, LS. Hiếu nói thêm: “Tiền của mình thì mình cần phải có trách nhiệm đầu tư. Không tin lời đường mật, nhẹ dạ trước cám dỗ về lợi nhuận hứa hẹn của đơn vị huy động vốn… Có nên chăng, để chắc chắn, lúc giao dịch ký hợp đồng góp vốn nên có thêm ý kiến của luật sư vì nó giống như kiểu mua bán đất các bên đều phải qua công chứng. Có tốn thêm ít kinh phí cho luật sư nhưng nó sẽ hiệu quả và an toàn hơn về dòng tiền đầu tư của mình…” - LS. Hiếu khuyến cáo!
Bài và ảnh: Chính Nhi