Đại úy Trần Thanh Bình báo cáo truyền thống đơn vị tại lễ đón nhận danh hiệu đơn vị Anh Hùng

      Vẫn nụ cười thân thiện, nói chuyện cuốn hút, nhận xét tinh tế về nhiều vấn đề thời sự xã hội và chuyện thường ngày ở huyện; đó là những cảm nhận và ấn tượng khó quên của tôi khi ngồi trò chuyện với Đại úy, Cựu chiến binh Trần Thanh Bình ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Từng là một cán bộ lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu 16 năm, nhưng ông chưa nghỉ việc. Nào là khuyến học, tư vấn phản biện của Mặt trận, cộng tác viên dư luận xã hội, rồi Ban liên lạc CCB, hoạt động báo chí… việc nào ông cũng nhiệt huyết, tận tâm. Thật hiếm và cảm phục một  tấm gương tuổi gần bát thập vẫn đam mê cống hiếnvì Đảng, vì dân.

       Con người của công việc

       Đang làm Phó Bí thư Đoàn xã, địa phương có ý giữ lại để tạo nguồn nhưng ông Trần Thanh Bình đã làm đơn ký bằng máu xin vào lính để được chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Gần 14 năm trong quân ngũ, ông đã đảm nhận chức vụ Trung đội trưởng súng máy cao xạ chiến đấu tại chiến trường Khu 4, Chính trị viên đại đội thuộc Tiểu đoàn 44B bộ binh ở chiến trường Trung Lào và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình Quân đoàn I. Tuy đã tham gia chiến đấu ở các chiến trường, đã chịu đựng sự khốc liệt, gian khổ của chiến tranh, nhưng ông khẳng định “chưa nghĩa lý gì với sự hy sinh của bao đồng đội khác; dẫu sao, với thời gian ấy và những gì đã từng trãi cũng đủ để rèn luyện bản ngã và định hình nhân cách sống cho tôi”.

    Đất nước thống nhất, mặc dù đã được đào tạo tại Học viện Chính trị Quân đội, với quân hàm Đại úy ở tuổi 30 nhưng ông xin được tăng cường cấp huyện để được thử thách ở môi trường mới theo chủ trương của Đảng. Chuyển ngành, ông công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh hơn 1 năm thì được tăng cường lên huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn 8 năm, làm Phó Bí thư Huyện ủy 2 nhiệm kỳ, sau về lại Ban Tổ chức Tỉnh ủy và chuyển về công tác tại Thạch Hà 17 năm làm công tác tổ chức, rồi Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy, sau chuyển lên Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh.

       Mặc dầu ông đã kinh qua nhiều công việc, nhưng dấu ấn đậm nét nhất tôi hiểu về ông là những năm tháng ông trở về quê hương Thạch Hà công tác. Những gì ông và những cộng sự của ông thời đó để lại vẫn mãi không quên trong cán bộ và nhân dân huyện nhà. Nào giao thông nông thôn, cải tạo vườn tạp, xóa nhà tạm, xây dựng nông thôn mới; chuyện sáp nhập trường học hay chủ trương đào tạo, tuyển dụng cán bộ…là những việc Thạch Hà khai phá trước các huyện và để lại dấu ấn. Hình ảnh ông Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy lúc nào cũng xe đạp, xe máy xông xáo, lăn lộn tháo gỡ khó khăn từ cơ sở. Cũng từ đó để phát hiện ra những nhân tố mới, để định hình những chủ trương sát thực tế. Khi làm giao thông nông thôn, ông dẫn cán bộ ra Thanh Hóa, Hà Nam Ninh học kinh nghiệm rồi chọn Thạch Vĩnh làm điểm khởi đầu, tổ chức hội nghị đầu bờ rút kinh nghiệm. Khó khăn nhất là điểm Thạch Thắng trên tuyến đường 27. Ông chủ trương chỉ đạo Tượng Sơn là điểm đầu đường  xung kích làm trước, đến Thạch Văn là điểm cuối đường cùng thi công. Từ đó để khích lệ, vận động, thuyết phục nhân dân   Thạch Thắng (điểm giữa) giải tỏa hành lang và đóng góp công sức làm giao thông.  Ông ví chiến dịch làm giao thông nông thôn ở huyện giống như chiến dịch Hồ Chí Minh, Thạch Vĩnh là trận mở đầu ở Tây Nguyên, Thạch Thắng là trận Xuân Lộc dẫn đến kết thúc chiến dịch.

Bí thư chỉ đạo mở đường giao thông Thạch Hải – Đền Lê Khôi

     Sau khi có Nghị quyết của huyện về cải tạo vườn tạp, ông dùng tiền cá nhân đi mua trên 300 cây ăn quả, về phát cho các đoàn thể ở xã, mỗi xã 5 cây và tặng cán bộ cơ quan để khích lệ phong trào. Trước thực trạng hệ thống trường học thiếu đồng bộ giữa các cấp, sau khi khảo sát ông đã tham mưu cho cấp ủy ban hành nghị quyết về quy hoạch trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thành lập thêm 2 trường THPT, sáp nhập trường THCS liên xã…Là một chủ trương rất đúng đắn, đi trước chủ trương của nhà nước nhiều năm nhưng khi triển khai thực hiện gặp muôn vàn khó khăn. Ông sâu sát tháo gỡ từng điễm nghẽn để thực hiện bằng được chủ trương đã định. Và quả ngọt đã đến, chủ trương đã được hiện thực hóa thành công, được Tỉnh và Bộ Giáo dục – Đào tạo đánh giá cao, nhiều tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.  Việc xóa nhà tranh tre dột nát ở Thạch Hà là công việc không dễ. Ông chủ trương làm thận trọng, chắc chắn, không thể xây căn nhà vài ba chục mét vuông, lợp pro xi măng để xem như đã “ngói hóa nhà ở”, nhưng rồi dân không chịu nổi cái nắng đổ lửa miền Trung, phải ngồi dưới tán cây tro chống nóng. Xuống khảo sát thực trạng nhà ở tại một số thôn xóm với cán bộ xã, ông dặn anh em phải biết chọn ai để vận động ủng hộ trước, “đầu đi xuôi lọt” mà, người mở đầu ủng hộ kha khá thì người sau sẽ khác. Bản thân mình chẳng có tiền đâu, nhưng cán bộ ủng hộ một tý thì sẽ có tác động nhất định đối với anh em, ông nói. Ông Nguyễn Lương Lĩnh, nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, đã từng công tác với ông Bình ở huyện Kỳ Sơn và huyện Thạch Hà nói: “Ông  Trần Thanh Bình là con người giám dấn thân, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là con người có tư tưởng đổi mới, không bằng lòng thỏa mãn với những gì đã làm được. Ông am hiểu sâu sắc về chính trị, kinh tế,văn hóa, quân sự; đặc biệt là bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, là chổ dựa cho anh em chúng tôi làm việc” .

Chủ tịch MTTQ tỉnh thăm và tặng quà đồng bào dân tộc Chứt (Bản Giàng, Hương Khê) 

    Về huyện một thời gian có 2 việc mà ông hết sức trăn trở là tìm mộ Anh hùng Lý Tự Trọng và việc giáo dục lý tường cho thanh niên theo tấm gương người  đoàn viên thanh niên cộng sản; Phát huy giá trị văn hóa lịch sử đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, vừa là những công trình tâm linh mà từ trước đến nay gần như lãng quên, ông nói.

      Chính ông là người đã tham mưu cho cấp ủy chủ trương đề nghị tỉnh tổ chức Kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Lý Tự Trọng và các hoạt động tìm kiếm mộ anh, xây các công trình trên quê hương. Khi chủ trương được Tỉnh ủy đồng ý, ông cùng anh em huyện vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Bí thư Thành đoàn bàn việc phối hợp tìm kiếm mộ và những việc Thành đoàn có thể tham gia, ra Hà Nội làm việc với  Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn và Cục 2 tình báo Quân đội kiến nghị những việc liên quan kỷ niệm 80 năm ngày sinh, xin nguồn kinh phí xây Khu nhà tưởng niệm và các công trình văn hóa tại Việt Xuyên quê hương anh. Sau này, ông cùng đồng chí Từ Văn Diện, Chủ tịch huyện và Bí thư Tỉnh đoàn trực tiếp làm việc với đồng chí Phan Diễn – Thường trực Ban Bí thư  TW để xin chủ trương kỷ niệm 90 năm ngày sinh của anh, xin nguồn làm công viên Lý Tự Trọng, xây trường học… Từ ý tưởng khởi đầu ấy, đến nay mọi hoạt động giáo dục, phát huy khí chất anh hùng của Lý Tự Trọng đã đi vào nền nếp, có ý nghĩa giáo dục lý tưởng sâu sắc, nhiều công trình được nhà nước quan tâm xây dựng.

  Nghiên cứu về lịch sử, ông thấy Đền Lê Khôi là nơi thờ một vị tướng quân có công với đất nước dưới thời Lê nhưng chưa được khai thác, mọi người khó đến dâng hương cho Người vì núi rừng rậm rạp, chỉ có con đường nhỏ lên núi nhưng cây cối che lấp. Ông cùng một số cán bộ huyện đi bộ khảo sát đường, giao cho Huyện đoàn điều động đoàn viên ra quân kè đá, phát tuyến mở đường vào đền để chuẩn bị tổ chức Lễ hội đầu tiên. Sau đó ông bàn với Ủy ban lập dự án xin kinh phí mở đường và kéo điện từ trung tâm Thạch Hải đến chân đền dài 8km, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa. Khi dự án được tỉnh phê duyệt, ông cùng đồng chí Chủ tịch huyện trực tiếp làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và Bộ trường Bộ KH- ĐT để được cấp vốn đầu tư và dự án được khởi công. Ngày nay, Di tích Lịch sử -Văn hóa Chiêu trưng Đại Vương Lê Khôi nằm trên danh thắng Quỳnh viên thơ mộng, vừa là lễ hội sôi động nhất hàng năm, là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách muôn phương.

     Về công tác cán bộ, nhận thức “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, muốn phong trào chuyển biến tốt phải có đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực. Ông ra huyện Đô Lương, Nam Đàn và một số nơi khác có kinh nghiệm trong đào tạo cán bộ để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Về huyện, ông đã tham mưu cho cấp ủy ban hành nghị quyết về công tác cán bộ, chủ động liên kết với các trường đại học để mở lớp đại học tại chức cho đối tượng ít có điều kiện đi đào tạo chính quy, đồng thời ban hành quy định về tuyển chọn, tiếp nhận những sinh viên đại học chính quy về huyện công tác. Nhờ đó huyện đã mở được 2 lớp đại học  nông nghiệp, 1 lớp đại học kinh tế quốc dân, 1 lớp đại học sư phạm với gần 300 cán bộ theo học, tạo nguồn cán bộ dồi dào không chỉ cho huyện nhà mà cả 1 số cơ quan tỉnh và huyện bạn.  Với tuyển dụng sinh viên chính quy, ông tham mưu quy trình tuyển chọn rất khoa học, bài bản, huyện trích ngân sách trả lương để đưa một số cán bộ xuống cơ sở 3-6 tháng để  rèn luyện thử thách, một số công tác tại các cơ quan tỉnh nhưng có năng lực và có nguyện vọng về huyện công tác đều được xem xét. Nhờ cách làm đó nên đội ngũ cán bộ huyện khá đồng đều về kiến thức, có năng lực thực tiễn. Phần lớn đội ngũ này đã trưởng thành, là cán bộ chủ trì các cấp từ cơ sở đến ban ngành cấp tỉnh.

Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 44B anh hùng thăm lại chiến trường xưa

      Bà Lê Thị Tân, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thời ông làm Bí thư đã nói “Ông Bình là một con người rất bình dị nhưng rất quyết liệt trong công việc, lăn lộn sơ sở, luôn lao tâm khổ tứ với phong trào, đã nói là làm, việc gì được tập thể quyết định thì ông tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn để hoàn thành, không né tránh, đùn đẩy công việc cho người khác”.

      Trò chuyện với một số cán bộ và dân Thạch Hà, khi nói chuyện về Bí thư Bình đều có chung cảm nhận là con người năng động, giám làm, giám chịu trách nhiệm, luôn lăn lộn với phong trào, biết tìm cảm hứng công việc từ thực tiễn cuộc sống.

    Ông Trần Anh Đạo, nguyên Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Hải nói “ Không chỉ tôi mà rất nhiều cán bộ cơ sở ở Thạch Hà đều nói ông Bình Bí thư là con người của công việc, không phải là con người của hưởng thụ, hễ gặp ông ấy chắc chắn sẽ có việc”.

  Tỏa sáng phẩm chất “Anh Bộ đội Cụ Hồ”

  Sau khi được nhà nước cho nghỉ hưu, là điều kiện để chăm lo cuộc sống gia đình, nhưng với bản tính của cá nhân và niềm tin của tổ chức, ông đâu được nghi? Ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh 2 nhiệm kỳ, làm Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn phản biện của Mặt trận tỉnh, cộng tác viên dư luận xã hội của Tỉnh ủy. Ngoài ra ông còn làm Trưởng ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 44B Anh hùng và hoạt động báo chí, Việc gì được tổ chức giao ông đều đem hết nhiệt huyết để cống hiến, để lại những dấu ấn trong công việc.

    9 năm làm khuyến học, ông cùng cộng sự chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức hội các cấp, xây dựng phong trào khuyến học và xã hội học tập sâu rộng, nhưng cũng không quên xây dựng nguồn quỹ khuyến học các cấp. “Làm khuyến học ở vùng quê nghèo mà không có nguồn quỹ để giúp đỡ con em, giúp đỡ những mãnh đời bất hạnh chẳng khác nào múa tay trong bị rách”, ông nói. Từ đó ông tham mưu tổ chức sự kiện truyền hình trực tiếp để gây quỹ với chủ đề “Vì lợi ích trăm năm trồng người” hoặc “Ươm mậm trí tuệ đất Hồng La”, viết thư ngõ và cùng anh em trực tiếp đi gõ cửa từng doanh nghiệp, từng mạnh thường quân, con em xa quê, ra bắc vào Nam, không quản ngại khó khăn. Ông nói với anh em rằng “mình chẳng có gì phải xấu hổ, hành khất vì sự học cho con em là hạnh phúc chứ có xin cho cá nhân mình đâu”. Nhờ đó nguồn quỹ ngày một tăng để khuyến học, khuyến nghề, khuyến tài cho con em. Khi ông bàn giao để nghỉ công việc, 2 nguồn quỹ của tỉnh còn gần 18 tỷ đồng.

  Tiểu đoàn 44B Hà Tĩnh được thành lập tháng 02/1968, được bổ sung chiến đấu tại chiến trường Trung Lào. Trong 5 năm độc lập tác chiến, đơn vị đã chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, giải phóng phần lớn diện tích các tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn. Gần 200 cán bộ, chiến sỹ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh. Sau đó, đơn vị sáp nhập vào Trung đoàn 176 và giải thể nên không có đơn vị nào làm hồ sơ khen thưởng cho đơn vị. Mỗi lần nghe đồng đội kể lại những trận chiến ác liệt của Tiểu đoàn, những tấm gương hy sinh bất tử của đồng đội thì trong lòng ông day dứt, tự thấy mình có tội và có lỗi với gần 200 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn đã hy sinh, trong đó hài cốt nhiều đồng đội còn khuất lạc trên chiến trường. Rất day dứt về những chiến công  của tiểu đoàn, sự hi sinh của các Liệt sĩ chưa được Đảng, Nhà nước ghi công.  

   Mặc dù ông ở đơn vị 1 năm, làm Chính trị viên đại đội, rời lính với quân hàm đại ủy,  trong khi CCB Tiểu đoàn có hơn 30 sỹ quan cao cấp nhưng anh em ủy nhiệm cho ông làm Trưởng ban Liên lạc vì tin vào khả năng và mối quan hệ của ông.  Làm sao để xứng đáng với sự ủy thác của đồng đội khi trong tay không có hồ sơ, tư liệu gì và sự kiện đã diễn ra hơn 50 năm? Ông nghĩ, tài sản duy nhất có thể khai thác là các nhân chứng sống (trên 300 Cựu chiến binh, trong đó có hơn 30 sỹ quan cao cấp, từng là cán bộ tiểu đoàn, đại đội đã trực tiếp chiến đấu). Ông đã bàn với anh em trong Ban Liên lạc việc đầu tiên là phải biên tập được cuốn Truyền thống lịch sử của Tiểu đoàn, đã gửi thư yêu cầu các CCB cung cấp thông tin về các trận đánh, thông tin về bản thân và đồng đội. Từ đó tổng hợp, phân tích, xử lý các thông tin, tiến hành biên tập, phát hành cuốn Truyền thống lịch sử của Tiểu đoàn.

Có cuốn truyền thống rồi, nay làm sao để tìm được các quyết định gốc khen thưởng 17 Huân chương cho đơn vị đã hơn nửa thế kỷ? Phải tính cách khác là trở lại chiến trường xưa…”. Vậy là bốn anh em trong Ban Liên lạc đã sang tận nước bạn Lào để gặp các nhân chứng thuộc bộ đội Pha Thét Lào đã từng phối hợp chiến đấu với đơn vị để khai thác thêm thông tin. Sau đó, đoàn làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự 2 tỉnh Bô Li Khăm Xay và Khăm Muộn để xin ý kiến đánh giá và đề nghị của 2 tỉnh bạn Lào. Nhờ có cuốn Truyền thống lịch sử và văn bản xác nhận đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bô Ly Khăm Xay, tỉnh Khăm Muộn là tư liệu vô cùng quý giá, cơ sở pháp lý để xây dựng hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho đơn vị. Ngày 21/11/2022 ,Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Tiểu đoàn 44B quân tình nguyện và đã được tỉnh tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng vào tháng 3 năm 2023. Không chỉ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu mà cá nhân ông Bình và anh em trong Ban liên lạc vận động được trên 430 triệu đồng để tổ chức gặp mặt hơn 400 CCB Tiểu đoàn, tặng qùa cho 200 thân nhân Anh hùng, Liệt sĩ và một số thương binh nặng…

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Lãnh đạo tỉnh trao Bằng và cờ đơn vị Anh hùng LLVTND cho Tiểu đoàn 44B

     Đơn vị được phong tặng Anh hùng là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với chiến tích của Tiểu đoàn, tô đẹp thêm truyền thống của LLVT Hà Tĩnh, nhưng “với cá nhân tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện, vì đã góp phần làm vợi đi nỗi mất mát đau thương của bao gia đình, đồng đội, để linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát; vì sự hy sinh của các anh được Đảng và nhân dân ghi nhận”, ông tâm sự.            

      Trong cuộc sống đời thường, ông là một Cựu chiến binh luôn phát huy tốt bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Thấy Chi hội có gần 40 CCB mà sinh hoạt yếu, mất đoàn kết, ông đã tham mưu cho cấp ủy kiện toàn lại cán bộ chi hội và có chương trình đưa CCB vào hoạt động. Ông đã vận động các doanh nhân, con em xa quê được trên 20 triệu đồng để tổ chức cho các CCB đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại Quảng Trị,  viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các địa danh lịch sử . Sau những chuyến đi đó đã tạo được sự hứng khởi và sự dính kết tình cảm người lính. thu hút hội viên tham gia, nhất là các hoạt động tình nghĩa, xây dựng nông thôn mới…

    Một trong những việc làm ý nghĩa là xây dựng nhà thờ Liệt sĩ Phan Thanh Lưu. Liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Trị Thiên ở tuổi thanh xuân, chưa có vợ con. Bố mẹ và em gái lớn đã mất, còn em gái bệnh tật, ở xa nên việc hương khói ủy quyền cho người cháu, nhưng nơi thờ tự quá rách nát. Lương tâm của một người lính không thể an lòng với người anh đã hy sinh vì nghĩa lớn. Ông đã đề nghị Chi bộ cho ông đứng tên, gửi thư ngõ kêu gọi vận động con em, các doanh nhân, bạn bè ủng hộ để làm nhà thờ. Ông đã vận động được tổng số tiền 127 triệu đồng để làm nhà thờ diện tích 50m2  và mua quà thăm hỏi 27 thân nhân các gia đình Liệt sĩ, Thương binh, gia đình chính sách trong thôn. Huy động anh em Cựu chiến binh tham gia giải phóng mặt bằng, làm nền móng.  

CCB Trần Thanh Bình được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước “ CCB gương mẫu “ của Hội CCB huyện Lộc Hà giai đoạn 2019 – 2024.

   Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia các phong trào ở địa phương như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Khi thấy thôn được chọn làm điểm xây dựng Thôn kiểu mẫu nhưng nguồn kinh phí quá nghèo, ông đã mạnh dạn tham mưu cho Chi bộ và Ban công tác Mặt trận thôn có các giải pháp để  triển khai thực hiện, vận động con em xa quê  hướng về cội nguồn, quê hương đóng góp mua sắm trang thiết bị trong nhà văn hóa thôn và ngôi nhà trí tuệ, lát gạch sân bóng chuyền…Riêng cá nhân ông đã vận động được gần 50 triệu đồng để cải tạo nâng cấp Nhà văn hóa thôn, làm cổng Tổ liên gia, vận động tặng sách cho Ngôi nhà trí tuệ thôn Hồng Lạc và các trường học trên 1.000 cuốn sách. Ông tự thiết kế cổng, tập kết vật liệu, cùng thợ xây dựng cổng làng.

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen vinh danh tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 cho ông Trần Thanh Bình

   Ông luôn đi đầu, gương mẫu gần gũi nhân dân để tuyên truyền, kết nối tình làng, nghĩa xóm, thắt chặt mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, vận động dân hiến đất, giở bỏ công trình, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng; cùng với cán bộ xã, thôn đi đến các gia đình để thuyết phục, vận động nhân dân tự nguyện tham gia, cha mẹ chưa thông thì điện cho con em ở xa để thuyết phục gia đình. Những hộ xung phong làm trước là động lực để chuyển hóa những hộ chưa thông suốt. Năm 2023, thôn Hồng Lạc là đơn vị duy nhất trong xã xây dựng thành công khu dân cư thông minh, xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” đưa vào hoạt động rất hiệu quả, được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Ông Nguyễn Tiến Tám, Bí thư Đảng bộ xã Thạch Châu dành nhiều lời khen về Đảng viên Trần Thanh Bình “ Bác ấy là “ của hiếm của xã chúng tôi; anh em vui chuyện thường đùa “ việc gì khó có Bác Bình “; chuyện thường ngày ở xã, ở thôn xóm có việc gì Bác hay góp ý thẳng thắn cho cấp ủy, chính quyền xã; có những con đường như đường đến trường Mai Thúc Loan 3 năm làm không xong, có Bác ấy xắn tay vận động là đường thông, hè thoáng. Vừa rồi, Đảng bộ xã sơ kết giai đoạn 2 Cuộc vận động “ học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cả Đảng bộ có hơn 400 Đảng viên chọn được 3 đồng chí, trong đó có Bác Bình, Bác ấy thật xứng đáng là một Đảng viên mẫu mực…”          

     Dù đã cận kề tuổi 80 nhưng CCB, Đảng viên Trần Thanh Bình vẫn chưa hề ngưng nghỉ. Với trách nhiệm là cộng tác viên dư luận xã hội, tư vấn phản biện của Mặt trận và thông qua hoạt động báo chí, ông đã nghiên cứu, nắm bắt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, luôn sâu sát, tiếp cận các địa phương, các cơ sở, cán bộ lãnh đạo đương chức, cán bộ lãnh đạo đã về hưu, Cựu chiến binh, các tầng lớp nhân dân để có tiếng nói phản biện đến cấp ủy, chính quyền các cấp từ cơ sở đến Bộ Chính trị với tinh thần trung thực, thẳng thắn với bản chất người lính, vừa bảo vệ quan điểm, lập trường của Đảng, vừa kiến nghị phản ảnh kịp thời những vấn đề chưa hợp lý phát sinh từ cuộc sống. Nhiều bài chính luận và bài viết về những tấm gương, mô hình tiêu biểu và những điều bất hợp lý trong thực hiện chủ trương nghị quyết đăng ở báo Trung ương, địa phương. Nhiều nội dung góp ý gửi các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Trung ương như xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, công tác cán bộ, vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giảm biên chế …, Thư góp ý của ông đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và một số cơ quan tiếp nhận và có thư trả lời.

     Là một nhà báo không chuyên, nhưng ông rất tích cực viết bài đăng các báo, Tạp chí Trung ương và địa phương. Bài được dư luận đánh giá cao, trong 3 năm qua, ông đã đạt 6 giải Báo chí Trần Phú, giải Búa liềm Vàng và xây dựng nông thôn mới, trong đó có 1 giải A, 1 giải B,1giải C.

Đánh giá về ông Trần Thanh Bình, Ông Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói: “ Đồng chí Trần Thanh Bình là một người có trình độ , năng lực và uy tín thực sự . Khi còn đương chức với vai trò Bí thư huyện ủy Thạch Hà và Chủ tịch UBMT tỉnh , đồng chí luôn thể hiện rõ vai trò người lãnh đạo , là chỗ dựa tin cậy của cán bộ Đảng viên , đoàn viên hội viên và các tầng lớp nhân dân . Khi nghỉ hưu với trình độ hiểu biết , năng lực uy tín của mình , đồng chí đã tham gia nhiều tổ chức xã hội như : Hội khuyến học , hội CCB , làm chủ tịch họ Trần của tỉnh . Ở lĩnh vực nào đồng chí cũng tâm huyết trách nhiệm, nhất là luôn trăn trở để tham gia góp ý , phản biện những vấn đề về công tác xây dựng Đảng cũng như phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh , những vấn đề thời sự dư luận quan tâm .Một cán bộ lãnh đạo được cán bộ Đảng viên và nhân dân yêu mến quý trọng kể cả khi đương chức và nghỉ hưu ; thực sự là tấm gương về học tập và làm theo Tư tưởng , đạo đức , phong cách Hồ Chí Minh  “.

    Quả là một cánh chim không mỏi, 16 năm được nghỉ hưu nhưng công việc ông chưa ngừng nghỉ, việc gì có lợi cho xã hội ông tích cực tham gia. Thật hiếm có một đảng viên, một Cựu chiến binh đã từng giữ chức lãnh đạo cấp tinh nhưng khi trở về cuộc sống đời thường vẫn miệt mài bền bỉ cống hiến cho phong trào, 2 lần được Tỉnh ủy vinh danh về tấm gương học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh, được bầu đi dự và tham luận tại đại hội CCB huyện Lộc Hà. Trong mọi hoàn cảnh, ông luôn thể hiện được bản lĩnh và phẩm chất  “Anh bộ đội Cụ Hồ”.

                                                                                                  Lê Anh Thi