Bộ đội biên phòng xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các đường mòn, lối mở, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới.
Sau 99 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 lây lan trong cộng đồng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi, giải trí trở lại bình thường.
Đặc biệt, du lịch phát triển vượt bậc, các sân bay đông nghịt người, khách sạn hết chỗ… Nhưng ngày 25-7, Bộ Y tế thông báo một bệnh nhân ở T.P Đà Nẵng mắc Covid-19, mọi hoạt động của đất nước đang như quả bóng căng phồng xẹp xuống; người người lo âu, hồi hộp. Rồi số người bệnh tăng lên vùn vụt, lan ra nhiều tỉnh thành.
Vì sao dịch bùng phát?
Nguyên nhân chính là tư tưởng chủ quan. Mặc dù Chính phủ thường xuyên nhắc nhở, Bộ Y tế chỉ đạo, nhưng qua việc bùng phát Covid-19 ở Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều khe hở. Đó là quá trình sàng lọc tại các bệnh viện không được thực hiện nghiêm ngặt.
Nếu các bệnh nhân có biểu hiện ho sốt được xét nghiệm Covid-19 ngay từ đầu, được điều trị tại khu vực cách ly thì chắc chắn 3 bệnh viện ở Đà Nẵng đã không trở thành ổ dịch…
Tâm lý chủ quan của người dân, cùng với những tin đồn không có cơ sở khoa học như: Nắng nóng Covid khó lây truyền, người Việt Nam có khả năng đề kháng tốt, càng làm cho nhiều người chủ quan. Điển hình như bệnh nhân số 459 ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) từ Đà Nẵng về ngày 25-7, nghi nhiễm bệnh, nhưng vẫn đi ăn sáng, rồi vào các cửa hàng trong thời gian chờ… lấy kết quả xét nghiệm!
Hai là, công tác xuất, nhập cảnh của ta còn quá nhiều sơ hở. Nếu không có chuyện Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Quảng Nam chưa chắc chuyện người Trung Quốc nhập cảnh vào nước ta không qua kiểm soát đã được đề cập. Nay sự việc vỡ lở ta mới điều tra, khám phá và bước đầu đã tìm ra một số đường dây đưa người Trung Quốc nhập cư lậu vào nước ta để truy tố. Như vậy là người Trung Quốc đã sang Việt Nam rất nhiều, bây giờ họ ở đâu thậm chí đến nay vẫn chưa nắm được.
Một số người Trung Quốc bị phát hiện gần đây khai sang làm cán bộ kỹ thuật, làm công nhân may, buôn bán, du lịch… Họ còn làm gì nữa thật khó mà biết được. Quản lý xuất nhập cảnh là trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng, với đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên bộ 1065,652km.
Lực lượng Biên phòng đã phải căng mình ra để chốt cả ở đường mòn, lối mở bảo đảm không để lọt một người vượt biên trái phép thật khó. Song, người Trung Quốc không thể đi lọt vào nội địa được nếu không có người Việt Nam tại bản địa dẫn dắt. Vậy vai trò của cấp ủy, chính quyền, của các tổ chức chính trị - xã hội các địa phương trong công tác quản lý biên giới ở đâu?
Ba là, công tác quản lý địa bàn dân cư, quản lý người nước ngoài của ta quá lỏng lẻo. Những thông tin báo chí đưa gần đây không khỏi làm chúng ta giật mình. Điển hình như tối 29-7, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phát hiện 9 người Trung Quốc từ Việt Nam vượt biên trái phép về Trung Quốc.
Họ khai đã vượt biên xuống Hà Nội chơi 4 ngày, nay trở lại Trung Quốc. 4 ngày ở Hà Nội trong khi sinh hoạt, tiếng nói của họ khác người Việt, sao cảnh sát khu vực và bao nhiêu lực lượng nắm, quản lý địa bàn không nhận ra? Điều quan trọng hơn là có đúng họ chỉ sang du lịch hay còn làm gì nữa?
Những nguyên nhân trên, đồng thời cũng là cảnh báo, nếu chúng ta không kịp thời siết chặt, khắc phục những khe hở trong công tác quản lý biên giới, quản lý người nước ngoài thì khó mà ngăn được “vết dầu loang” Covid-19 đang tràn ra cộng đồng.
Đỗ Công Huynh