Cụm từ “Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông” được nhiều người nhắc đến nhưng không phải ai cũng có thể hiểu và ứng xử đúng mực. Xây dựng văn hóa giao thông là điều mà nhiều người mong muốn để giảm thiểu sự hỗn loạn, vốn là một đặc trưng của giao thông ở nước ta.

Đi khắp các nẻo đường, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy các khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “Nhanh một phút, chậm một đời”, “Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim”…, như một lời nhắc nhở đối với người tham gia giao thông hãy chấp hành Luật Giao thông, vì sự an toàn của bản thân cũng như của xã hội. Thực tế hằng ngày xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông, là nỗi ám ảnh gieo rắc không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn là nỗi sợ hãi chung của toàn xã hội. Một người bị tai nạn giao thông không chỉ là bản thân người đó chịu thiệt thòi mà kéo theo đó là cả gánh nặng cho gia đình và xã hội. Có một câu hỏi được đặt ra là “Tại sao tai nạn giao thông lại xảy ra nhiều như vậy?”. Dường như có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, như: Cơ sở hạ tầng (cầu, đường) còn yếu kém, phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn... nhưng chung quy lại nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là ý thức tham gia giao thông của mỗi người. Mặc dù có rất nhiều hình thức tuyên truyền, nhưng khi nhìn vào thực trạng hiện nay, lại thấy thật đáng buồn.

Tình trạng vượt đèn đỏ vẫn thường xuyên diễn ra, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, chống người thi hành công vụ hay là sử dụng chất kích thích khi lái xe...

Không chỉ là nỗi ám ảnh cho người dân địa phương mà còn là nỗi lo sợ đối với du khách nước ngoài. Đa số họ đều có ý kiến rằng ý thức tham gia giao thông của chúng ta chưa cao, tài xế chạy rất ẩu và thiếu kiên nhẫn, người dân lưu thông theo phương pháp “lấp chỗ trống”, chỗ nào trống là họ đi vào, bất kể đó là nơi dành cho người đi bộ - một du khách nước ngoài chia sẻ.

Chỉ vì thiếu ý thức khi tham gia giao thông mà giờ đây nhiều đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ mãi mãi. Hay các vụ “xe điên” tông chết người hàng loạt, để lại nỗi đau dai dẳng cho bao gia đình.  Rõ ràng hệ lụy của tai nạn giao thông là rất lớn, không thể cân đong, đo đếm được, không gì có thể bù đắp được và gây thiệt hại cho xã hội. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nâng cao, các phương tiện giao thông cũng ngày càng nhiều và tai nạn giao thông chính là vấn đề nhức nhối mà chúng ta cần phải khắc phục. Thường xuyên vận động tuyên truyền cho mọi người về Luật Giao thông và ý thức tham gia giao thông bằng các hình thức như tổ chức các chương trình tìm hiểu an toàn giao thông, các cuộc thi về văn hóa ứng xử. Các lực lượng chức năng thường xuyên đứng chốt để điều khiển người tham gia giao thông, có biện pháp nhắc nhở, xử lý thật nghiêm đối với những người vi phạm. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ cần tổ chức việc giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường giúp các em có những hành vi văn minh, nhận thức đúng, ý thức đúng ngay từ nhỏ. Mỗi người lớn sẽ là một tấm gương để cho trẻ nhỏ học tập...

Thực hiện văn hóa khi tham gia giao thông là chấp hành đúng Luật Giao thông, đội mũ bảo hiểm, không chạy quá tốc độ quy định, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng, đi đúng phần đường, làn đường, tuyệt đối không uống rượu bia khi tham gia giao thông...

Đặng Đức