Gần 1 triệu khẩu trang y tế không nguồn gốc xuất xứ đang trên đường đi tiêu thụ bị Cục QLTT Quảng Bình bắt giữ.
Gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm nhiều hơn bởi đây là thời điểm các loại hàng hóa phục vụ Tết đã bắt đầu được tung ra thị trường. Dù có chế tài xử lý, nhưng vì lợi nhuận quá lớn, nhiều loại thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai, về lâu dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Bánh kẹo, mứt, hạt, rượu bia, giò chả, thực phẩm khô... là những mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp tết. Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “thực phẩm online” sẽ xuất hiện hàng nghìn kết quả với hàng loạt các thông tin quảng cáo khác nhau. Dễ dàng nhận thấy, hầu hết các cá nhân, đơn vị đang kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội đều là tự phát, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp lớn.
Sự phát triển của công nghệ thông tin với các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một thị trường mới buôn bán thực phẩm rất nhộn nhịp người mua người bán chỉ việc ngồi lướt điện thoại, nhấp chuột, phần còn lại đã có người giao hàng làm công tác vận chuyển. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã tạo ra một làn sóng kinh doanh mới theo hình thức “người người bán thực phẩm, nhà nhà bán thực phẩm”. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội khiến việc mua bán thực phẩm tại các chợ truyền thống có giai đoạn phải tạm ngừng hoạt động, những người bán thực phẩm qua mạng đã chớp thời cơ tiếp cận khách hàng.
Việc mở một tài khoản bán hàng trên mạng xã hội hoặc sử dụng trang thông tin của cá nhân để buôn bán thực phẩm hiện nay là rất dễ dàng, chưa có quy định quản lý, không phải đóng thuế nên ngày càng nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì không rõ ràng, việc mua bán hầu hết dựa trên thông tin một chiều do người bán cung cấp.
Để ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền địa phương cần phải quyết liệt hơn trong công tác quản lý, xử lý dứt điểm đối với các điểm chợ tự phát. Với hình thức buôn bán trên mạng xã hội cũng cần sớm có hành lang pháp lý để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng và có cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm có liên quan đến an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng hãy chọn mua những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, cam kết đảm bảo chất lượng, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Luật sư Trần Đức Thắng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư T.P Hà Nội cho biết: Việc kinh doanh hàng hóa không nhãn mác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 4, Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa với mức phạt tiền từ 1-60 triệu đồng (tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm). Ngoài ra, căn cứ Điều 17, Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 50 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm.
Bảo Hân