Hai bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Hiện nay, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng, dễ dẫn đến "dịch chồng dịch".
Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch. Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhất là những trẻ có sức đề kháng kém. Khi trẻ có biểu hiện mắc sốt xuất huyết, cần thực hiện test nhanh Covid-19, nếu kết quả âm tính thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, khi thấy trẻ mệt nhiều, sốt cao hoặc có bất cứ bất thường nào, cần đưa ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Những ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng T.P Hồ Chí Minh điều trị cho nhiều trẻ sốt xuất huyết. Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn từ nay đến hết tháng 1-2022 là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11, 12. Cộng với dịch Covid-19 đang hoành hành, tiềm ẩn nguy cơ "dịch chồng dịch" rất cao.
Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng T.P Hồ Chí Minh, song song với chống dịch Covid-19, cần phải chú ý phòng các dịch bệnh theo mùa, nhất là hiện nay đang vào mùa dịch sốt xuất huyết, nếu để bùng phát sẽ rất nguy hiểm.
Bác sĩ Tiến cho biết: Các triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột lên 39-40 độ C trong 2 ngày đầu, bước sang ngày thứ 3 có thể xuất huyết ở những vùng da mỏng như da mặt, mặt trong cánh tay, vùng cổ... Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, đau mỏi cơ... rất dễ nhầm lẫn với Covid-19, hoặc cùng lúc trẻ có thể mắc cả 2 loại virus. Theo ông, hiện tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang tiếp nhận và điều trị cho gần 10 trẻ vừa nhiễm Covid-19, vừa bị sốt xuất huyết. "Phải làm cùng lúc 2 xét nghiệm mới xác định được 2 loại bệnh này vì chúng có biểu hiện tương đồng. Nếu trẻ nhiễm đồng thời Covid-19 và sốt xuất huyết thì quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều. Phải vừa điều trị Covid-19, vừa theo dõi tình trạng bệnh của sốt xuất huyết để kịp thời truyền dịch chống sốc nếu diễn biến nặng" - bác sĩ Tiến cho biết.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 25.000 trường hợp sốt xuất huyết và có xu hướng gia tăng mùa cuối năm.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để tránh chồng chéo dịch bệnh, vừa phòng dịch Covid-19 vừa phòng sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dọn dẹp sạch sẽ nơi mình làm việc, sinh sống từ trong nhà ra xung quanh nhà, tránh ao tù nước đọng làm nơi muỗi đẻ trứng dẫn đến phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, có thể thả cá để diệt lăng quăng.
Để tránh muỗi đốt cần mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Khi gia đình có người sốt xuất huyết cần cho người bệnh nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Thành An