Dự kiến cuối tháng 4 năm nay sẽ vận hành thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

(Báo tháng) - Thưa Nhà báo Trần Đăng Khoa, theo ông, phản biện xã hội có vai trò gì đối với sự phát triển đất nước?

Bà nêu một vấn đề mà tôi cũng đang muốn nói. Bà ạ, phản biện xã hội có vai trò vô hạn quan trọng. Đối với nhiều vấn đề thuộc mọi lĩnh vực, vụ việc, quyết sách... nếu có phản biện xã hội sẽ có nhìn nhận chính xác hơn, tỉnh táo hơn.

Tôi rất chú ý đến một ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt khi ông nói rằng, cái để xác định trí thức hay không phải trí thức chính là khả năng phản biện của họ. Ai có khả năng phản biện thì người đó mới là trí thức. Trí thức đích thực thì không a dua, ai nói chiều nào xoay theo chiều ấy như một ngọn gió hoang. Phải có tư duy phản biện, phương pháp phản biện, cái nhìn phản biện thì mới thực sự là một trí thức.

Ở Việt Nam, phản biện hơi phức tạp một chút. Có người không thiện chí, lợi dụng phản biện để chống đối, làm mọi chuyện rối mù lên. Họ làm ảnh hưởng đến phản biện. Nhiều nhà quản lý dị ứng với cái gọi là phản biện, ngại phản biện cũng có lý của họ. Phản biện không phải là phá rối, chống đối. Phản biện là một tư duy khoa học cẩn trọng, lật đi lật lại một vấn đề được đưa ra (vấn đề xã hội đang quan tâm) với một cái nhìn không xuôi chiều (nhìn cả mặt thuận và mặc nghịch) để tìm ra chân lý.

Người phản biện thực sự bao giờ cũng có ý thức xây dựng, thiện chí chứ không gây rối, chống đối. Tức là cái hay thì ủng hộ, cái dở thì phản đối, và dù ủng hộ hay phản đối cũng phải rạch ròi cụ thể. Ngay trong cái tốt cũng đã hàm chứa cái xấu nào đó nên mình nhìn nhận cái đó như thế nào cho khoa học, thuyết phục. Nhất là với xã hội Việt Nam bây giờ càng cần nhìn nhận như thế để tránh chỉ thấy mặt sáng mà không thấy mặt tối hoặc ngược lại, thì rất nguy hiểm.

Tất cả các quyết sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, các địa phương rất cần được phản biện để mọi quyết định chuẩn hơn.

Theo quan sát của ông, ở Việt Nam, phản biện xã hội thường chú ý đến vấn đề gì? Tại sao?

Tất cả mọi vấn đề, nhưng phần lớn là những vấn đề lớn trong đất nước. Ví dụ như vấn đề làm đường sắt cao tốc, làm tàu điện ngầm, hay xây tượng đài 1.400 tỷ ở một tỉnh nghèo...

Chẳng hạn, nói chuyện làm đường sắt cao tốc, muốn phát triển đất nước rất cần có đường sắt cao tốc. Vì như ở nước Đức phát triển, đi hàng nghìn km chỉ mất mấy tiếng đồng hồ, rất nhẹ nhàng, thoải mái. Ở Việt Nam, cứ thấy nói lý do muốn phát triển đất nước thì phải có đường sắt cao tốc. Điều đó là đúng, nhưng có điều, cái đó đúng ở các nước, nhưng ở Việt Nam đã chín chưa? Đó là cả một vấn đề. Trong khi tuyến đường sắt ở Việt Nam cũ kỹ và tàu chạy như rùa bò mà còn bao nhiêu tai nạn xảy ra liên tiếp. Cho nên, ta phải nhìn vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta để thấy nó thích hợp chưa.

Hay như nói làm tàu điện ngầm ở nước ta. Nếu ta làm được tàu điện ngầm như nước Nga thì tuyệt vời. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh nước ta đã thích hợp chưa khi mà mưa lũ ở nước ta khác ở Nga. Tôi ở Nga 7 năm trời chưa từng nghe thấy tiếng sấm. Mưa ở đó không dữ dội, chỉ cần một chiếc ô là thoát được cơn mưa. Còn ở nước ta, mưa đi kèm gió, mặc áo mưa bó vào mà vẫn ướt. Ngay như Hà Nội, một trận mưa nhiều tuyến phố đã thành biển nước. Nếu làm tàu điện ngầm ở Việt Nam, không khéo, mưa trút nước xuống hệ thống tàu điện ngầm. Hơn nữa, chất lượng xây dựng đường trên mặt đất ở nước ta vừa làm tháng trước xong, tháng sau đã xuống cấp. Không khéo, chỉ một trận mưa to hay mất điện đột xuất, có khi hệ thống tàu điện ngầm lại trở thành hố chôn sống hàng nghìn người. Nếu làm tàu điện ngầm thì phải cấm người Việt tham gia. Người Việt hay ăn cắp vặt, toàn rút ruột công trình nên không thể làm được. Nên thuê người Nhật hay Nga. Đặc biệt cần nói “không” với những nhà thầu không hợp tác tử tế với Việt Nam, mà Tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội là một ví dụ.

Cho nên, theo tôi, tiếng nói phản biện của mọi người là rất cần thiết giúp chúng ta tỉnh lại “trong những cơn say phát triển nóng” mà không nhìn vào thực chất thì nguy vô cùng.

Trần Đăng Khoa