Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam được ban hành từ năm 1979, đến nay đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế, có phần ảnh hưởng đến đời sống tư pháp của người dân và có nhiều ý kiến khác nhau về xác định thành phần dân tộc.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chương trình phổ thông tổng thể theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục Việt Nam. Trong đó, quy định về chính tả tiếng Việt trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các tài liệu khác sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thống nhất cách viết tên riêng, viết thuật ngữ trên cơ sở tôn trọng, kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và tính quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người học tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài; kết hợp hài hòa giữa tính khoa học với tính sư phạm, đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của người học.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Phan Văn Hùng nói: Việc thống nhất cách viết tên dân tộc, tên người, tên địa lý trong sách giáo khoa là hết sức cần thiết. Việc làm này giúp cho thế hệ trẻ có một kiến thức chính xác, chắc chắn, không bị lẫn lộn về nhận thức, góp phần loại bỏ những định kiến, phân biệt về dân tộc và văn hóa, giúp tôn trọng sự khác biệt về nguồn gốc dân tộc.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng có nhiều ý kiến đồng tình việc cần phải thống nhất cách viết thành phần các dân tộc Việt Nam trong sách giáo khoa. Các đại biểu cho rằng: Viết tên người, tên địa lý cần thể hiện đúng, đủ, tôn trọng tên riêng của từng vùng, miền, của từng dân tộc; những dân tộc có chữ viết phải tôn trọng chữ viết của dân tộc đó. Sách giáo khoa là văn bản chuẩn mực nên cần sớm có sự chuẩn hóa, quy định về việc viết tên các thành phần DTTS để áp dụng chung cho tất cả các bậc học. Có định hướng, tiếp cận khoa học khi phiên âm hóa tiếng Việt nhưng được đồng bào đồng thuận, phù hợp với văn hóa, nguyện vọng của đồng bào, để học sinh dễ tiếp cận.
Để có được văn bản thống nhất về thành phần các dân tộc trong cả nước cần có sự thống nhất của các nhà quản lý, sự đồng thuận của các nhà khoa học và nguyện vọng của người dân. Bản danh mục thành phần các dân tộc mới cần phải có căn cứ pháp lý cụ thể để các Bộ, Ban, ngành và người dân lấy đó làm chuẩn mực và thực hiện theo...
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Phan Văn Hùng cho rằng: Việc xây dựng Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách cần được thực hiện ngay. UBDT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, các nhà khoa học và người dân để sớm hoàn thiện danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam.
Minh Tâm