Ông Nguyễn Trọng Tùng, trú tại khu 2A xã Cao Xá huyện Lâm thao tỉnh Phú Thọ có đơn gửi về Báo CCB Việt Nam phản ánh: Tháng 3-1959, ông nhập ngũ vào đơn vị c17- d4- f316. Năm 1960, đơn vị ông làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Đến năm 1963, ông bị sốt rét được đưa về nước điều trị, sau đó ra quân. Tháng 12 -1967, ông tái ngũ vào đơn vị c4- d4- e165- f312 và tiếp tục được cử sang Lào chiến đấu đến năm 1970. Trong thời gian này ông bị thương tại Lào. Đơn vị cấp thẻ thương binh loại A, tỷ lệ thương tật 21% tạm thời cho ông. Đến tháng 10-1970 ông ra quân.
Ngày 15-4-1997, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ có quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp thương tật cho ông Nguyễn Trọng Tùng. Quyết định này căn cứ theo Biên bản giám định y khoa số 4780, ngày 27-9-1995 của Hội đồng Giám định Y khoa T.Ư xác định tỷ lệ thương tật của ông là 41%, tính từ ngày 15-9-1995.
Tại quyết định này còn yêu cầu ông Trưởng phòng Chính sách thương binh liệt sĩ, kế hoạch tài chính, LĐTBXH huyện Phong Châu và ông Tùng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Tuy nhiên, theo đơn của ông Tùng phản ánh thì sau đó ông vẫn chưa được hưởng trợ cấp theo quyết định của Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ.
Ngày 5-7-2016, Hội đồng Giám định Y khoa T.Ư tiếp tục có Biên bản giám định số 267, khám giám định thương tật đối với ông Tùng. Kết quả khám lại ông Nguyễn Trọng Tùng được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 51%.
Mặc dù vậy, đến nay sau nhiều lần ông Tùng đề nghị cơ quan chức năng giải thích vì sao ông không được hưởng chế độ thương tật trong khi quyết định nếu rất rõ tỷ lệ thương tật của ông?
Trong đơn ông Tùng còn phản ánh: Sau khi bị thương, ông về công tác tại một công ty ở tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Ngày 1-9-1979, ông nghỉ chế độ mất sức lao động. Ngành LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phú đã tính quy đổi thời gian công tác và mức lương chính của ông là 22 năm 7 tháng, ông được hưởng trợ cấp mất sức lao động là 48%. Đến tháng 7-2019, ông Tùng nhận được 2.347.000 đồng/tháng. Tuy nhiên ông cho rằng với cách tính toán 48% tỷ lệ mất sức, số tiền chi trả cho ông vẫn còn thiếu tới 691.200 đồng.
Nhiều lần ông Tùng làm đơn đề nghị gửi Bộ LĐTBXH, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội giải thích cho ông xem có được hưởng quyền lợi 41% tỷ lệ thương tật như quyết định của Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ đã ký ngày 15-4-1997 hay không? Đồng thời ông Tùng cũng đề nghị cho biết số tiền hằng tháng ông còn thiếu như cách ông tính từ quý IV-1985 đến nay có được trả hay không?
Báo CCB Việt Nam cũng nhận được đơn của ông Nguyễn Thành Bộ, trú tại thôn Thanh Sơn, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, T.P Hà Nội kiến nghị làm rõ về chế độ thương tật của ông.
Theo đơn thì ông Nguyễn Thành Bộ là thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật xác định 71%. Ông xuất ngũ và về địa phương công tác từ năm 1976 đến năm 1992, tổng cộng là 15 năm 6 tháng liên tục.
Năm 1993, ông làm đơn xin nghỉ công tác để hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ năm 1975, Quyết định số 111 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 và Thông tư số 01 năm 1982 của Ban Tổ chức Chính phủ. Tuy nhiên, không biết lý do gì mà Đảng ủy, UBND huyện Phú Xuyên không có quyết định xác nhận cho ông được nghỉ chế độ. Trong khi đó, ông Bộ phản ánh, thời điểm này, còn có 3 bệnh binh khác và 2 quần chúng trong xã công tác cùng với ông Bộ, tuổi đời xấp xỉ như nhau, nhưng 3 bệnh binh và 2 quần chúng lại được Đảng ủy xã có Nghị quyết cho nghỉ việc, được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, còn ông Bộ thì không được giải quyết.
Về nội dung đơn của ông Tùng và ông Bộ phản ánh, Báo CCB Việt Nam xin chuyển ý kiến của hai ông tới cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.
BBĐ