Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên vừa tiếp nhận bé trai 10 tuổi trong tình trạng bỏng 40% cơ thể vùng tay chân, lưng, ngực, bụng mặt.

Theo gia đình bệnh nhi C.A.V. (sinh năm 2009, dân tộc Mông, trú tại bản Háng Tơ Mang 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), bé trèo lên cột điện bắn chim không may bị điện giật, đã được sơ cứu tại bệnh viện tuyến huyện và được chuyển điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Hiện tại, bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng.

Bác sĩ Bùi Đức Phương - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết: Thời gian bắt đầu vào hè, số vụ tai nạn thương tích do bỏng nước sôi, bỏng điện, ngã cây, tai nạn giao thông,… ở trẻ em tăng. Những tai nạn này đều gây ra những hậu quả và di chứng đáng tiếc như: gãy chân, gãy tay, gãy xương, chấn thương sọ não, để lại những vùng sẹo lớn trên cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các em; thời gian điều trị kéo dài gây tổn hại kinh tế gia đình…

Theo các chuyên gia, có 6 nhóm nguyên nhân gây nên tai nạn thương vong ở trẻ: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, ngạt thở, ngộ độc. Trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất. Để hạn chế tai nạn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo:

- Không để trẻ chơi, nô đùa gần sông suối, ao hồ…

- Không cho trẻ chơi, nô đùa, thả diều… gần điện cao thế, trạm biến áp… Không trú mưa ở chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao… Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng ngang qua).

- Cần làm rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm tại sông suối ao hồ, tại các trạm biến áp, cột điện cao thế...

- Khi gặp sự cố cần thông báo ngay cho người lớn ở nơi gần nhất, gọi cứu hộ 114, nhanh chóng sơ cứu nạn nhân và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Trẻ con dù ở độ tuổi nào đều hiếu động, tò mò. Các bậc phụ huynh nên để ý, giám sát kỹ con em mình. Chỉ một phút bất cẩn cũng gây nên những hậu quả đáng tiếc.

Minh Vũ