Chị Vàng Thị Mua ở thôn Pờ Chúa Lủng xã Cán Tỷ là một trong những hộ nghèo của thôn. Kinh tế gia đình khó khăn, quanh năm thiếu đói, thế nhưng chị lại có 4 đứa con lúc nào cũng nheo nhóc. Chị Mua kể: Từ lúc sinh con ra, Mua không đủ sữa cho con, có lẽ bởi suốt ngày ngô với sắn, gạo không đủ ăn thì lấy đâu ra sữa cho con...
Chân tay lúc nào cũng tất bật, hết chăm đứa bé, chị lại phải trông chừng hai đứa con gái lớn, nhưng cũng mới lên 5, lên 3. Cảnh nheo nhóc, bận bịu hết con cái lại việc nhà làm chị không còn thời gian chăm sóc cho bản thân mình. Mới 30 tuổi đầu, mà nhìn Mua như ngoài 40. Gia đình lại là hộ nghèo, diện tích canh tác ít ỏi, nên thu nhập chẳng đáng là bao. Chẳng thế mà chồng chị quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cũng chẳng đủ ăn...
Gia đình Vàng Thị Mua chỉ là một trong khá nhiều gia đình ở xã Cán Tỷ này sinh con thứ 3 trở lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, nhưng đa số đều do nếp nghĩ lạc hậu, phải đẻ con trai để nối dõi, thậm chí đông con là nhiều của, lại có thêm lao động trong nhà... Gia đình anh Sùng Mí Quả ở thôn Đầu Cầu 2, sinh được 3 đứa con. Do không có điều kiện chăm sóc, trông nom mà 1 cháu đã mất, giờ anh đang tính sinh tiếp, mặc dù đã có trai, có gái.
Anh Hạng Mí Vư - Trưởng thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ cho biết: Tuy đã tuyên truyền vận động, thậm chí đến từng nhà nhưng tình trạng sinh con thứ 3 vẫn còn tiếp diễn. Nhiều cặp vợ chồng thấy việc sinh nhiều con là hết sức bình thường, khi được tuyên truyền nhiều khi còn chống đối, không chấp hành, vin vào cớ này, điều kia. Sau đó, vẫn có thêm những đứa trẻ được sinh ra trong điều kiện sống khó khăn, nghèo nàn. Nhiều người cứ nghĩ rằng đẻ ra là nuôi được, đời cha mẹ mình cũng vậy.
Chị Giàng Thị Say - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cán Tỷ cho biết: Nhờ có việc vận động tuyên truyền, đặc biệt từ các hương ước, quy ước của thôn mà tỷ lệ sinh con thứ 3 trong xã đã có chiều hướng giảm. Theo quy ước gia đình nào sinh con thứ 3 sẽ phải nộp 500 nghìn đồng cho xã. Nhưng theo chị Say, hương ước, quy ước cũng chỉ là một phần, quan trọng hơn là chính người dân phải nhận thức được hệ lụy từ việc sinh nhiều con thì tỷ lệ sinh con thứ 3 mới có hy vọng dừng lại.
Vậy, làm thế nào để giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tại Cán Tỷ vẫn đang là một bài toán khó, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, kiên trì và bền bỉ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.
Thu Nga