Cuối tuần qua, hàng triệu người từ các nước Canada, Thụy Sĩ, Hà Lan, New Zealand… xuống đường tuần hành. Tuy diễn ra ở các địa điểm khác nhau nhưng thông điệp của các cuộc tuần hành là một: Cần phải hành động quyết liệt hơn để cứu hành tinh của chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng của biến đổi khí hậu.

Quy mô ngày càng lớn của các cuộc tuần hành trên toàn cầu chống biến đổi khí hậu cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này ngày càng tăng bởi rõ ràng sự thay đổi theo hướng tiêu cực của khí hậu đã tác động xấu tới cuộc sống của con người khắp nơi trên thế giới.

Biến đổi khí hậu giờ đây không chỉ là băng tan, nước biển dâng, nhiệt độ toàn cầu tăng lên với tốc độ cao, thời tiết cực đoan… mà còn là các vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của con người.

Tuần hành chống biến đổi khí hậu đột ngột tăng cao trong tuần qua ở nhiều nước bởi đó là thời điểm nguyên thủ của các quốc gia tề tựu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc, khai mạc ngày 23-9 tại New York (Mỹ). Tuần hành ngày càng đông cũng bởi các nước đưa ra rất nhiều cam kết kể từ khi có Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhưng hành động của họ lại rất hời hợt. Thực tế là khí hậu ngày càng biến đổi tiêu cực hơn suốt 4 năm sau khi những lời cam kết được đưa ra. Các đợt nắng nóng cao nhất trong lịch sử hay ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn chẳng khác gì tố cam kết của nhiều nước chỉ là những lời nói suông.

Những cam kết trên giấy nhiều đến mức trước thềm cuộc họp ngày 23-9 Tổng thư ký Liên Hợp quốc - António Gutteres phải kêu gọi các nguyên thủ quốc gia hãy hành động thay vì dùng những ngôn từ hoa mỹ để nói về biến đổi khí hậu.

Lời kêu gọi đã được đưa ra nhưng một hội nghị quan trọng như vậy vẫn thiếu vắng nguyên thủ của một số nước như Mỹ, Australia, Canada, Brazil, Nhật Bản… Họ vắng bởi nhiều lý do nhưng chẳng lý do nào thuyết phục. Năm 2017, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các đảng ở Canada thì đưa biến đổi khí hậu vào thông điệp tranh cử. Brazil đang chịu ảnh hưởng trầm trọng của cháy rừng. Có thành phố ở Nhật Bản gần đây đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu… Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ thấy trách nhiệm của nhiều nước lớn đối với vấn đề chung của toàn cầu.

May thay, nhiều nước và tổ chức đã đưa ra những cam kết hành động cụ thể ngay tại hội nghị. Nhiều định chế tài chính hay chương trình hành động đã chi tiết hơn, chi mạnh tay hơn cho năng lượng tái tạo, giảm mức khí thải carbon dioxide, trồng thêm cây xanh, chống phá rừng, bảo vệ nguồn nước, chống rác thải nhựa….

Những cam kết hành động cụ thể trên đáng được khen ngợi nhưng biến đổi khí hậu không phải là bài toán của riêng một cá nhân hay quốc gia mà cần những nỗ lực hành động mang tính toàn cầu và từng người dân với môi trường sống của mình.

Các cuộc tuần hành cuối tuần qua đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới các chính phủ, thôi thúc họ hướng hành động tích cực cho môi trường, khí hậu nhiều hơn. Những cam kết mà chính phủ của nhiều nước đưa ra trong tuần qua cũng cho thấy họ sẽ có những hành động cụ thể. Thế nhưng, liệu nhưng cam kết đó có được thực hiện một cách nghiêm túc hay không thì là một câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi người ta đã nghe quá nhiều về những cam kết như vậy nhưng khí hậu thì vẫn biến đổi theo chiều hướng cực đoan. Đã đến lúc hành động cứu lấy hành tinh của chúng ta thay vì chỉ hứa suông.

Ngọc Hưng