Nhiều tổ chức, cá nhân đã tin tưởng tài trợ tiền cho Hội CSTC trong thời gian qua…

Báo cáo không trung thực với Thủ tướng về tìm kiếm, cất bốc hơn 400 bộ hài cốt liệt sĩ, vi phạm qui định về việc thành lập Hội… là những gì mà Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 48 Thạch Hãn đã tố cáo Hội Chiến sĩ Thành cổ, tới nhiều cơ quan chức năng trong thời gian qua...

Tài liệu mà Báo CCB Việt Nam nhận được, cho thấy những gì mà các CCB Trung đoàn 48 - Thạch Hãn (Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, là đơn vị được giao nhiệm vụ chiến đấu từ đầu cho đến cuối chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972) tố cáo và báo chí đã đăng tải những vi phạm của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 (CSTCQT) trong thời gian qua là khá rõ. Tuy nhiên, việc xử lý không dứt điểm của cơ quan có liên quan dẫn đến CCB Trung đoàn 48 - Thạch Hãn đến nay vẫn tiếp tục có đơn thư.

Báo cáo không trung thực về hơn 400 bộ hài cốt liệt sĩ!

Theo phản ánh của Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 48 - Thạch Hãn (LLCCB48):  Sau khi được thành lập theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BNV của Bội Nội vụ và một năm sau khi Bộ Nội vụ phê duyệt Ðiều lệ Hội (ngày 16-4-2014), ngày 7-4-2015, thể theo nguyện vọng của một số vị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp và làm việc với Ðoàn CSTCQT. Tại buổi làm việc này, ông Lê Xuân Tánh với tư cách Chủ tịch Hội đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội CSTCQT: Tuy mới thành lập và hoạt đồng gần một năm nhưng Hội đã thu được nhiều kết quả, như: Tìm kiếm, cất bốc hơn 400 hài cốt liệt sĩ (HCLS), vận động tài trợ hơn 100 nhà tình nghĩa, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm…

Nhưng điều gây nên sự phản ứng quyết liệt của dư luận, đặc biệt là thân nhân, gia đình nhiều liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, là kết quả kiểm tra hơn 400 bộ HCLS được Hội CSTC quy tập, mà ông Tánh báo cáo với Thủ tướng được Bộ Quốc phòng xác định là không đúng sự thật. Cụ thể, tại Văn bản số 3866 ngày 4-5-2016, do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trung tướng (nay là Thượng tướng) Lê Chiêm ký, ghi rõ: “Từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2015, Hội (CSTC - PV) đã thông tin, tìm kiếm được 459 HCLS, cất bốc được 321 HCLS, trong đó có 251 có danh tính. Hội không báo cáo Bộ Quốc phòng (Cục Chính sách - Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1237) về kết quả thông tin, tìm kiếm và cất bốc, quy tập HCLS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; không có biên bản bàn giao hài cốt, không có bất cứ hồ sơ, tài liệu nào chứng minh việc Hội đã thực hiện việc cất bốc HCLS”.

Không chỉ riêng về vụ việc hơn 400 HCLS báo cáo không trung thực, trong đơn thư gửi cơ quan báo chí, Ban LLCCB48 còn cho biết Hội CSTC tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào “Đi tìm đồng đội” với thành tích từ đầu năm 2011 đến 2015, tìm kiếm và cất bốc trên 2.500 HCLS (?), để được Bộ trưởng Bộ Công an tặng 28 Bằng khen và được thưởng 200 triệu đồng...  về thành tích “Thông tin, tìm kiếm và cất bốc HCLS”.

Dù đã cảnh báo vẫn để xảy ra sai phạm?

Ngoài việc tố cáo như nêu trên, đại diện Ban LLCCB Trung đoàn 48 còn cho biết việc thành lập Hội CSTCQT có những điểm không đúng quy định, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị - nơi ông Lê Xuân Tánh Chủ tịch Hội (là đảng viên) đang sinh hoạt, có ý kiến nhưng không được cơ quan nào xem xét, giải quyết.

Tại văn bản số 378 - CV/TU ngày 14-10-2013 của Tỉnh ủy Quảng Trị, do Bí thư Tỉnh ủy Lê Hữu Phúc ký gửi Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ về việc trao đổi một số nội dung về Hội CSTCQT, đã đề cập rõ một số vấn đề khi thành lập Hội này cần phải xem xét lại. Đáng chú ý là trong đó có nội dung liên quan đến tên gọi của Hội, bởi trước đó, năm 2011, UBND tỉnh Quảng Trị cho phép thành lập Hội CSTCQT năm 1972 tỉnh Quảng Trị, do ông Lê Xuân Tánh làm Chủ tịch. Nhưng sau hơn 1 năm hoạt động, phát hiện cá nhân ông Tánh có những vấn đề khiến dư luận trong tỉnh và những chiến sĩ đã từng chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị không đồng tình, nhất là những đồng chí lãnh đạo tỉnh đã từng chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị tại thời điểm diễn ra chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ năm 1972, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh hủy bỏ quyết định thành lập Hội này tại tỉnh Quảng Trị.

Vẫn theo văn bản số 378 CV/TU thì lý do giải tán Hội CSTCQT năm 1972 tỉnh Quảng Trị là bởi “những nhiệm vụ mà Hội này hoạt động theo Điều lệ Hội đã được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị, trong đó có Hội CCB các cấp ở Quảng Trị thực hiện rất tốt, nên không cần thiết phải có Hội CSTCQT năm 1972” .

Về đối tượng kết nạp vào Hội cũng cần xem xét. Theo ước tính của đồng chí Hoàng Thiện - người trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, thì hiện nay cả nước còn khoảng 1.000 người trực tiếp chiến đấu trong thời gian 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Thế nhưng, đơn của Đại tá Trần Ngọc Long - đại diện Ban LLCCB48 cho biết Hội CSTCQT đến nay thu nạp trên 30.000 hội viên - một con số vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người.

Cần chấn chỉnh kịp thời

Liên quan đến những tố cáo và vi phạm của ông Lê Xuân Tánh, cuối tháng 11-2014, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị đã vào cuộc làm rõ. Sau đó, đã ra quyết định kỷ luật đảng viên Lê Xuân Tánh bằng hình thức khiển trách.

Còn trong nội dung đơn kiến nghị, tố cáo của Ban LLCCB48 gửi Thủ tướng Chính phủ và văn bản kiến nghị của các CCB từng là chỉ huy các đơn vị chiến đấu tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị nhiều lần cũng khẳng định: Chủ tịch Hội CSTCQT Lê Xuân Tánh và nhiều ủy viên Ban Chấp hành Hội không phải là chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị! Do đó không thể đại diện cho Hội CSTCQT được... Thế nhưng cho đến ngày 12-2-2019, Bộ Nội vụ mới có Thông báo số 663/TB-BNV về kết quả kiểm tra, xác minh rà soát lại các nội dung phản ánh, liên quan đến Hội CSTCQT.

Ðáng chú ý, trong nội dung thông báo này cũng đã nêu: “…Hoạt động tham gia thông tin, tìm kiếm và cất bốc HCLS của Hội CSTCQT trong nhiệm kỳ I không tuân thủ theo quy định của pháp luật…”. Ðồng thời, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo giải quyết; trong đó yêu cầu các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, LĐTBXH theo chức năng quản lý nhà nước, kiểm tra hoạt động của Hội CSTCQT; có biện pháp chấn chỉnh những bất cập, hướng dẫn để Hội hoạt động theo đúng điều lệ và quy định của pháp luật.

Qua thực tế hoạt động của Hội CSTC, với nhiều sai trái, gây bức xúc dư luận, vấn đề đặt ra đối với các Bộ, ngành, cơ quan…, là: Cùng với quyết định thành lập các tổ chức Hội (tương tự Hội CSTC), rất cần có cơ quan, đơn vị giám sát; cần có cơ chế giám sát hoạt động của hội đó có tuân thủ pháp luật, đúng với tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ hay không? Nếu không, phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của tổ chức đó theo quy định của pháp luật. Đừng để dư luận đặt câu hỏi:

Ai phải chịu trách nhiệm để xảy ra những sai phạm của Hội CSTCQT trong thời gian qua?

Nhóm PV Bạn đọc