Ki-ốt “bốc hơi” trong đêm…
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, mở rộng Trung tâm thương mại Tây Sơn, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định 373/QĐ-UBND ngày 17-2-2011. Do điều kiện nguồn vốn chậm nên quá trình thi công kéo dài. Đến tháng 6-2014, các hạng mục thi công cơ bản mới hoàn thành, bàn giao từng phần đưa vào sử dụng, chỉ còn hạng mục lắp dựng mới các ki-ốt trong Đình chợ hai tầng chưa thi công.
Từ tháng 7 đến tháng 12-2014, BQL đã triển khai nhiều cuộc họp phổ biến chủ trương cải tạo, mở rộng chợ Trung tâm thương mại, thế nhưng đa số các hộ tiểu thương không đồng tình bởi họ cho rằng: Vị trí kinh doanh các mặt hàng bị đảo lộn, thời gian thi công trước tết là không hợp lý, kích thước gian hàng bị thu hẹp, chất lượng vật tư kém, kết cấu không hợp lý… nên 88 hộ tiểu thương đã có đơn kiến nghị gửi BQL và Trung tâm dịch vụ hạ tầng đề nghị giữ nguyên vị trí ki-ốt kinh doanh, giữ nguyên độ cao như ki-ốt cũ… và chuyển thời gian thi công vào sau tết. Tuy nhiên mặc cho sự phản đối của tiểu thương, BQL vẫn tiến hành nâng cấp Trung tâm thương mại vào trước tết.
Theo một tiểu thương chợ Tây Sơn thì, sáng 22-1-2015, BQL đã tổ chức lực lượng phá dỡ nhiều ki-ốt cũ để thay thế ki ốt mới khiến vật liệu ngổn ngang. Các tiểu thương phản đối, buộc đơn vị thi công phải tạm dừng thi công. Tuy nhiên, đến đêm 22-1-2015, khi tất cả tiểu thương đang say trong giấc ngủ thì một số ki-ốt bị phá dỡ, hàng hóa được chuyển đi nơi nào không biết.
Chị Nguyễn Thị Tình, xóm Kim Thành, xã Sơn Tây nói: “Hôm đó khoảng 6 giờ tối, chúng tôi đóng ki-ốt về nhà bình thường như mọi ngày, sáng mai đến đầu chợ nghe mấy người nói: Ki-ốt của bà Vịnh bị dỡ rồi. Khi đến nơi thì hàng hóa đã bị bốc đi. Chúng tôi gặp bảo vệ để hỏi thì được trả lời là “không biết”… Nhưng sau đó lại được trả lời là: Cả đêm, BQL phối hợp với Công an cùng với bảo vệ cắt khóa ki-ốt, thu hàng hóa để lấy mặt bằng thi công trong khi chúng tôi đang ngủ say”.
Về vấn đề này, ông Phạm Trần Đệ-đại diện BQL thừa nhận việc tháo dỡ ki-ốt của bà Vịnh là do chính ông chỉ đạo Công an thị trấn và đơn vị thi công làm vào ban đêm nhằm tránh sự ngăn cản của tiểu thương.
*Tiểu thương phản ứng, hàng hóa bị tưới a-xít ***
Khi các tiểu thương “lên tiếng” không đồng tình với việc cải tạo chợ như nêu trên, bất ngờ có hiện tượng dung dịch a-xít đã đổ trộm vào hàng hóa của một số tiểu thương.
Anh Nguyễn Hữu Tình, chủ ki-ốt kinh doanh quần áo may mặc bức xúc nói: “Khoảng 6 giờ 30 phút sáng 28 tết, tôi ra mở quầy hàng bình thường như mọi ngày thì phát hiện có nhiều nước mùi hăng nồng đọng lại trong quầy và gây ra nhiều vết trắng trên đồ vật, hàng hóa. Một lát sau, các quầy hàng của chị Trần Thị Lâm, Lê Thị Hương, Nguyễn Thị Ngân và Phan Thị Duyên cũng phát hiện được sự việc tương tự nên chúng tôi giữ nguyên hiện trường và mời anh Tuấn, anh Việt là Bảo vệ chợ cùng Công an thị trấn Tây Sơn, Công an huyện Hương Sơn đến kiểm tra, xem xét sự việc, lập biên bản và lấy một số mẫu hàng hóa bị hư hỏng về cơ quan để phục vụ cho công tác điều tra. Theo thống kê sơ bộ của 5 hộ tiểu thương, tổng thiệt hại về hàng hóa của các hộ lên đến khoảng 140 triệu đồng”.
Liên quan đến vấn đề cải tạo chợ và hàng hóa bị phá hủy, tiểu thương chợ Tây Sơn đề nghị BQL làm sáng tỏ vì sao một số ki-ốt và hàng hóa bị tháo dỡ trong đêm, hàng loạt ki-ốt cũ của tiểu thương đã đầu tư xây dựng bị phá dỡ để thay thế ki-ốt mới có được bồi thường không?...
Trao đổi với ông Võ Quang Thân-Phó Trưởng Công an huyện Hương Sơn về vụ hàng hóa bị tưới axít, ông Thân cho rằng trước mắt BQL Trung tâm thương mại Tây Sơn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì đã có quy định trong hợp đồng. Khi Cơ quan CSĐT tìm ra thủ phạm sẽ được xử lý bằng một vụ án hình sự khác.
Bài và ảnh: Chí Thúc“Nhiều tiều thương cũng đưa ra quan điểm, sau cải tạo nhiều ki-ốt tại khu vực kinh doanh hàng tạp hóa nhỏ hơn so với ki-ốt cũ. Mỗi ki ốt chỉ có diện tích từ 5 đến 6 m2, thậm chí có ki-ốt chưa đầy 4,5m2 (rộng 1,6m dài 2,8m). Theo các tiểu thương thì diện tích nhỏ như vậy khiến cho việc trưng bày, cất giữ hàng hóa hết sức khó khăn. Một số tiểu thương buộc chuyển hướng mua thêm ki-ốt bên cạnh theo hình thức tự thỏa thuận…”.