CCB Đỗ Văn Rồng chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên gia đình.
CCB Đỗ Văn Rồng, sinh năm 1953, có 25 năm công tác tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Ông có 50 năm tuổi Đảng. Vợ ông, bà Vũ Thị Quê 40 năm tuổi Đảng và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Gia đình ông là một trong những địa chỉ nhân ái cho số gia đình hoàn cảnh nghèo tại địa phương.
Đồng chí Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hội CCB xã Thuận Phú kể lại: “Năm 1994, có CCB tên là Nguyễn Văn Tỵ, sinh năm 1956, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp ở xã Thuận Lợi. Thấy hoàn cảnh đồng đội quá khó khăn, ông Rồng cho đất làm nhà ở. Ông còn giúp cây giống trồng vườn và mua cho một số nội thất, đồ dùng như giường, bàn ghế, soong nồi…, tổng giá trị trên 20 triệu đồng (thời giá hiện nay khoảng 200 triệu đồng). Đời sống người dân lúc đó còn nhiều khó khăn, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa. 33 hộ đồng bào dân tộc S’tiêng chắc hẳn không bao giờ quên nghĩa cử nhân ái của CCB Đỗ Văn Rồng. Mấy năm ròng, ông cho 33 hộ đồng bào S’tiêng với 142 nhân khẩu ở tổ 4 ấp Thuận Hòa vào vườn cao su nhà tận thu mủ chén, mủ dây. Từ số mủ chén, mủ dây ông giúp, bà con dân tộc có tiền mua gạo, bắp chống đói…”.
Từ xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, năm 1972, ông Rồng đi bộ đội và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên Huế. Năm 1980, ông ra quân và đưa gia đình vào xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Đồng Phú, Bình Phước. Cũng từ đó hai vợ chồng ông công tác ở Công ty cao su Đồng Phú. Bước đầu, với hai bàn tay trắng, một mẹ già, vợ yếu và hai con nhỏ, bệnh sốt rét triền miên, nhiều lúc tưởng không vượt qua nổi. Nhưng nghị lực của người lính Cụ Hồ, không làm ông nản chí. Ngoài buổi làm ở công ty cao su về, ông cùng vợ khai khẩn đất trồng hoa màu, xuống giống cao su. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, kinh tế gia đình ông dần ổn định và từng bước phát triển. Từ 10ha cao su, gia đình ông đã và đang giải quyết việc làm hằng năm cho 10 lao động tại địa phương. Mủ cao su thu gần trọn năm (khoảng 9-10 tháng/năm), công cạo mủ hiện nay đạt khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Hằng chục năm qua, CCB Đỗ Văn Rồng đều đạt hội viên sản xuất giỏi và giàu lòng nhân ái. Ông tích cực đóng góp và ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “Nghĩa tình đồng đội”… của các cấp Hội, mỗi năm trên 10 triệu đồng.
Bà Vũ Thị Quê cho biết: “Có một cháu trai 5 tuổi dân tộc S’tiêng cha mẹ ly hôn ở với ông bà nội. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông nhà tôi (ông Rồng) nhận nuôi gia đình ông cháu mỗi tháng 30kg gạo và tiền thức ăn. Được gần 10 năm, cháu lâm bệnh sốt nóng, sau chuyển sang sốt ác tính rồi qua đời tại bệnh viện tỉnh. Ông ân hận mãi, giá như biết trước để đưa cháu về nuôi, dẫu sao nhà mình cũng có ô tô, có điều kiện, mới chuyển kịp thời để bác sĩ cứu chữa thì thằng nhỏ chưa hẳn đã chết. Tại khu vườn cao su của gia đình, số hộ dân ở đó hễ có người bệnh, người qua đời là ông Rồng giúp đỡ hỗ trợ tiền thuốc men, tiền phúng viếng, hậu sự, đồng thời giúp họ 20kg gạo đỡ đần phần nào”.
Chủ tịch Hội CCB xã Thuận Phú - Trịnh Xuân Lâm chia sẻ thêm: “Là một hội viên cao tuổi và bị thương tật do chiến tranh chống Mỹ, nên đi lại khó khăn. Tuy vậy, nhưng CCB Đỗ Văn Rồng còn nhận trách nhiệm đóng góp ủng hộ gạo, tiền cho những mảnh đời bất hạnh, cho đồng đội lâm hoàn cảnh khó khăn…”.
Duy Hiến