*Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Yên Phong (huyện Bắc Mê) chuyển về trường chính được sinh hoạt tốt hơn.
*
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, từ năm 2016, Hà Giang thực hiện việc chuyển học sinh tại các điểm trường lẻ về trường chính và sáp nhập các điểm trường lẻ ở những nơi phù hợp. Phương châm chỉ đạo của tỉnh là làm đến đâu chắc đến đó, nơi thuận lợi làm trước, khó khăn làm sau; bảo đảm được chỗ ăn, chỗ ở và điều kiện sinh hoạt thì mới chuyển.
Tại huyện Đồng Văn, năm học 2017 - 2018, có 19 trong số 20 trường (gần 140 lớp với khoảng 1.500 học sinh tiểu học) chuyển từ các điểm trường lẻ về trường chính và sáp nhập điểm trường. Bà Mua Thị Hồng Minh - Trưởng phòng GDĐT huyện Đồng Văn cho biết: Nhờ giảm số lớp ở điểm trường lẻ, tăng số lượng học sinh tại trường chính, nên thuận tiện cho việc sắp xếp giáo viên trong điều kiện nguồn biên chế hạn hẹp. Chất lượng học tập của học sinh được nâng lên, các em được ăn ở tập trung, tham gia các hoạt động ngoài giờ, nói tiếng phổ thông, mạnh dạn, tự tin hơn.
Em Sùng Mí Phình, thôn Mỏ Pải Phìn, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn về trường chính học năm 2016 (lớp 3). Sau hơn hai năm, từ một cậu bé gầy gò, nhút nhát, em khỏe mạnh, tự tin hơn rất nhiều. Cậu bé phấn khởi: “Học ở trường chính thích hơn vì có phòng lưu trú ấm áp, được ăn cơm no ngày ba bữa, được đọc sách trong thư viện, được giảng dạy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông quê em”. Còn ông Sùng Pà Cơ, bố của Sùng Mí Phình cũng không giấu được niềm vui: “Bố mẹ nghèo, lại đi làm nương cả ngày nên khi cháu học ở điểm trường, một buổi đến trường, một buổi về nhà chẳng có ai chăm sóc. Ngày mới về trường chính học, tôi thương cháu vì tuổi còn nhỏ đã xa gia đình, nhưng sau vài tháng thấy cháu lớn, khỏe mạnh, tự tin, nói năng lưu loát, gia đình tôi vui lắm”.
Đến nay, tỉnh Hà Giang đã thực hiện chuyển toàn bộ học sinh từ điểm lẻ về học trường chính ở 34 điểm với 848 học sinh; chuyển một phần học sinh về trường chính ở 735 điểm với gần 10.000 học sinh; sáp nhập và giảm được hai điểm trường lẻ. Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - Trần Đức Quý, cái được lớn nhất chính là nâng cao được chất lượng giáo dục; giảm hẳn tình trạng học sinh bỏ học và không còn tình trạng học sinh đi học muộn vì nhà xa. Các trường thì giảm được chi phí tiền lương, giảm áp lực xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...
Tuy nhiên, việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính vẫn còn những khó khăn như: cơ sở vật chất chỉ đáp ứng tối thiểu, hầu hết các trường đều thiếu nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà ăn, nước sinh hoạt, phòng lưu trú; diện tích nhiều trường nhỏ hẹp, không có quỹ đất để mở rộng... Những khó khăn này đang được Hà Giang quan tâm, giải quyết, tuy nhiên, vẫn cần sự quan tâm của Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong những năm tới.
Khánh Toàn