Chuồng trại: Cần tu sửa, che chắn tránh gió lùa, nền chuồng luôn sạch và khô, thường xuyên thay chất độn, hạn chế dội nước nền chuồng. Có ô thoáng phía trên để gió lưu thông; khi đốt lửa sưởi, khói sẽ theo lỗ thoáng ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng.
Thức ăn: Áp dụng các biện pháp dự trữ, tận thu thức ăn trong mùa đông như rơm rạ, ngọn lá mía, các loại bã sắn, bã dứa, cây chuối trộn cám, muối (2 - 3% muối) cho trâu bò ăn; áp dụng các biện pháp ủ chua thức ăn, ủ rơm với urê... Cần chuẩn bị sẵn thức ăn dự phòng cho trâu bò trong 4 tháng. Với một trâu, bò trưởng thành, cần chuẩn bị 2,5 tạ thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn..) và 4 tạ thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, thức ăn ủ chua…), tối thiểu bảo đảm bổ sung 1 - 2 kg cám hỗn hợp/trâu bò trong những ngày giá rét. Nếu có điều kiện, bổ sung vitamin và các chất khoáng bổ trợ.

Vật liệu chống rét: gồm rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng; trấu, củi để đốt sưởi; bạt, bao ni lông, phên, nứa để quây, che xung quanh chuồng; chăn, áo, bao tải gai để làm áo chống rét. Sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống trét cho trâu bò.

Vệ sinh thú y và tiêm phòng: Thường xuyên quét dọn chuồng trại, định kỳ phun thuốc khử trùng 2 - 3 tuần/lần. Thực hiện tốt tiêm phòng định kỳ; tiêm phòng đầy đủ các bệnh: lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Kiểm tra phát hiện kịp thời những trâu bò có biểu hiện bệnh để điều trị vào ngày nắng ấm.

Biện pháp thực hiện: Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết. Những ngày rét dưới 15 độ C cần giữ gia súc tại chuồng. Sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng. Vào ngày rét đậm, rét hại cần tăng lượng thức tinh khoảng 2 kg. Cho trâu bò ăn thô trước rồi mới ăn thức ăn tinh và uống nước. Khi nhiệt độ dưới 12 độ C, cần đốt lửa chống rét và chú ý để khói không tạt vào mặt trâu bò và phòng cháy. Cần mặc áo chống rét cho trâu bò. Những ngày rét đậm rét hại, trâu bò thường xảy bệnh cước chân, da chân bị sưng phù, nứt nẻ. Cần tăng cường giữ ấm, để nền chuồng khô ráo, cho ăn uống đầy đủ. Bệnh mới xuất hiện có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp; đồng thời cho trâu bò vận động tại chuồng.

Lê Doãn Chiêu
(Theo tài liệu của Bộ NNPTNT)