Bác Hồ nói chuyện với GS. Trần Hữu Tước và các đại biểu trí thức là đại biểu Quốc hội - 1964
Ngay sau ngày 2-9-1945, một trong những việc làm được Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu tiên là vận động các nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ ra làm việc cho chế độ mới. Người đã ra lời kêu gọi “Nhân tài và kiến quốc”: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.
Các nhà cách mạng Mác-xít ai cũng biết luận điểm nổi tiếng của Các Mác: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Nhưng với Hồ Chí Minh, khi giác ngộ luận điểm này, Người lại đồng thời thấy rõ trí thức, hiền tài có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thành công của cách mạng. Từ rất sớm, khi phân tích cách mạng Pháp, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng: “Trong 3 lần cách mệnh, 1789, 1848, 1870, đều vì dân can đảm nhiều, nhưng trí thức ít, cho nên để tư bản nó lợi dụng”. Ở thời điểm đó, việc nhìn thấy rõ giai cấp công nông không thể làm cách mạng thành công nếu không liên minh với trí thức là một phát hiện lớn, đồng thời thể hiện bản lĩnh lớn của nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc.
Sau này, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài nói, bài viết khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trí thức với cách mạng. Trong bài báo "Thiếu óc tổ chức-một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân", đăng trên Báo Cứu quốc, số 58, ngày 4-10-1945, Người viết: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.
Còn trong bài nói chuyện tại buổi khai mạc Lớp Chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan T.Ư, ngày 6-2-1953, Người đưa ra những luận điểm rất quan trọng: "Chính là những đảng cách mạng lại càng trọng trí thức. Tóm lại cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức. Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân... Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”. Trả lời một nhà báo nước ngoài, ngày 22-6-1947, Người khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”.
Từ tư tưởng thông suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân sĩ, trí thức Việt Nam đã vượt qua những định kiến về cách mạng xã hội chủ nghĩa, hăng hái, nhiệt tình tham gia gánh vác công việc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời.
Chuyện Bác Hồ “tam cố thảo lư” mời các nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ ra làm việc để lại cho chúng ta rất nhiều bài học về chính sách thu hút, sử dụng nhân tài hiện nay. Chẳng hạn, với cụ Bùi Bằng Đoàn -một đại thần của triều Nguyễn, Bác viết liên tiếp hai lá thư mời cụ ra làm việc nhưng cụ đều lấy lý do tuổi cao, thiếu hiểu biết về thời thế hiện nay để cáo lão không ra. Lần thứ ba, Bác Hồ lại thảo một bức thư, giao đích danh thư ký thân cận của Người là đồng chí Vũ Đình Huỳnh mang về quê cụ Bùi, giao tận tay cụ. Lá thư tha thiết, thấm đẫm ân tình, thấu tỏ lòng người của Bác đã khích lệ cụ Bùi Bằng Đoàn ra làm cố vấn cho Chính phủ cách mạng.
Còn với cụ Vi Văn Định - nguyên là Tổng đốc Thái Bình trong chế độ cũ, khét tiếng đàn áp cách mạng, bắt bớ đảng viên cộng sản, Bác vẫn rất rộng lượng nhìn nhận: “Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu; phải biết sử dụng mặt tốt của họ vào sự nghiệp chung”. Bác đã “đắc nhân tâm” khi cử chính những cán bộ từng bị bắt giam ở Thái Bình thời cụ Vi làm Tổng đốc, lên Lạng Sơn thuyết phục cụ về công tác giúp Chính phủ cách mạng. Lần đầu, cụ Vi ngần ngại chưa nhận lời. Đoàn cán bộ của ta thấu triệt quan điểm dùng người của Bác, đã kiên trì ở lại vận động cụ Vi về với cách mạng… Việc cụ Vi về với cách mạng chẳng những Đảng, Chính phủ có thêm một nhân sĩ mà các con rể, con gái, cháu rể của cụ là những trí thức nổi tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng… càng yên tâm cống hiến cho cách mạng.
Trong số các trí thức tham gia cách mạng từ những ngày đầu của nền độc lập, phải kể đến Phạm Quang Lễ, người nổi tiếng với cái tên Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa sau này. Ông là một kỹ sư giỏi, đang hưởng lương hàng chục lượng vàng mỗi tháng ở Pari, hoa lệ của nước Pháp, mà bỏ lại tất cả để trở về tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cuộc đời cống hiến của Giáo sư Trần Đại Nghĩa cho thấy, trí thức chân chính sẵn sàng hy sinh tất cả vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc và cách mạng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một câu nói nổi tiếng: “Chọn người tài chứ không chọn người nhà”. Bản thân câu nói đó đã phần nào nói lên thực trạng thu hút và sử dụng trí thức, nhân tài hiện nay. Nhiều nghị quyết về công tác cán bộ của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, sau rốt mới là trí tuệ”. Kinh nghiệm từ lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới đều chỉ ra rằng, ở đâu “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” chi phối công tác cán bộ thì ở đó không có chỗ cho trí thức, hiền tài.
Vì lẽ đó, một việc quan trọng sống còn hiện nay của Đảng và chế độ ta là phải tạo đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng nhân tài.
Trí thức, nhân tài mà ngoảnh mặt thì sự tồn vong của chế độ là nguy cơ hiện hữu!
Nguyễn Hồng