Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Đây là con số được bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế nêu lên tại Hội thảo “Thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Số liệu thống kê của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho thấy: Hằng năm, thế giới có khoảng 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động; chiếm khoảng 14% số tử vong mỗi năm trên toàn cầu (có 7 người tử vong thì 1 người là do thuốc lá). Có thể kể đến 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8% (theo nghiên cứu của Bệnh viện K). Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Từ thực tế trên, thời gian qua nước ta đã có nhiều biện pháp để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có các chính sách liên quan đến thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá...
Tuy tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha). Mức thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam là nước có mức thuế thu nhập đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển. Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi. Hiện nước ta chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng. Cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá từ 2013 chưa thay đổi...
Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng: Không chỉ thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và các sản phẩm mới đều không an toàn cho sức khỏe, sử dụng nhiều nhất là thanh thiếu niên bởi nó chứa hàm lượng nicotine và chất gây nghiện cao, ảnh hưởng đến não bộ, trí tuệ, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, những chất được chứng minh gây ung thư và các bệnh tim mạch… WHO đã, đang tìm mọi cách để ngăn chặn việc thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, giúp thế hệ tương lai tránh nghiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Trình bày tham luận tại Hội thảo về chủ đề về tác hại, nguy cơ gia tăng sử dụng của giới trẻ đối với các sản phẩm thuốc lá mới, Ths. BS. Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Bên cạnh thuốc lá truyền thống, các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng rất nguy hại. Nó chứa nhiều chất độc như thuốc lá truyền thống, như: Nicotine Glycol, Ethylene Glycol, kim loại chì, bạc, thủy ngân, tích tụ dần gây độc cho cơ thể như tổn thương phổi cấp dẫn đến tử vong, đặc biệt là thanh thiếu niên sẽ bị mất kiểm soát hành vi, tâm trạng, ảnh hưởng đến trí tuệ, trí não do nicotine ảnh hưởng đến hệ thần kinh; làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống và sử dụng đồng thời; gia tăng nguy cơ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử…
Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ; đồng thời tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.
Thành An