*Sân Vinh đang xuống cấp nghiêm trọng *
Một nghịch lý bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyện nghiệp từ năm 2001 đến nay đã được 17 năm, nhưng các đội còn phải chơi trên sân của bóng đá phong trào. Nghịch lý này diễn ra nhiều năm mà chẳng ai quan tâm. Các ông chủ bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng làm bóng đá, tập trung vào mua sắm cầu thủ về đá để lấy thành tích, lấy danh hiệu, đánh bóng Công ty, tập đoàn, không ai quan tâm xây dựng sân bãi. Hiện nay các sân bóng đá đang trong tình trạng cha chung không ai khóc. Các địa phương cho rằng ai sử dụng sân người đó người đó chăm lo, xây dựng. Còn các câu lạc bộ bóng đá thì quan niệm sân của địa phương, họ chỉ tập nhờ, không có quyền đầu tư, hàng năm chỉ vá lại mặt sân tạm bợ thi đấu cho qua mùa giải.
Sân kém chất lượng người thiệt thòi nhất là cầu thủ, trong luyện tập không nâng cao được trình độ chuyên môn, trong thi đấu không phát huy được tài năng. Đặc biệt nguy hiểm cầu thủ dễ bị chấn thương. Đã có nhiều cầu thủ chấn thương do sân bãi xấu xảy ra, ảnh hưởng đến sự nghiệp.
Chúng tôi gặp nhiều cầu thủ nước ngoài sang thi đấu cho các CLB ở Việt Nam họ vô cùng phàn nàn về sân bãi ở nước ta. Họ cho rằng các sân bóng đá ở Việt Nam mặt sân tồi tệ, hệ thống chiếu sáng không đủ tiêu chuẩn, hệ thống bảo vệ không an toàn. Đáng quan ngại chỉ cần một trận mưa là mặt sân đầy nước. Sân kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả một trận đấu.
Nhiều chuyên gia cho rằng sân bãi kém ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bóng đá các địa phương và bóng đá nước nhà đã đến lúc không nên để tình trạng các sân bóng đá cha chung không ai khóc như hiện nay, đã đến lúc báo động “ đỏ”. Các địa phương nên mạnh dạn giao sân cho các CLB quản lý, sử dụng. Khi sân bóng đá có chủ cụ thể quản lý nhất định sẽ được nâng cấp, tốt hơn. VFF nên có chiến lược phát triển sân bóng đá không nên để tình trạng cả nước chỉ có sân Mỹ Đình đủ tiêu chuẩn đá AFC Cúp.

Hải Hưng