“Cả cuộc đời cha đi bộ đội. Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương, và những vết thương trên ngực cha, cứ trở gió lại đau nhức nhối, chiếc ba lô gió sương đã gội, gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi...”. Vâng, mỗi lần nghe ca từ trong bài hát mang tên: “Mẹ”, của nhạc sĩ Phan Long, là tôi lại nhớ thương về cha - người đã sinh thành ra mấy anh chị em chúng tôi, cũng đã có một cuộc đời vô cùng vất vả nhưng ý nghĩa, hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường để góp phần bảo vệ Tổ quốc…  

Cha tôi là người rất giống với hình tượng người lính được miêu tả trong lời bài hát “Mẹ” kể trên, bởi suốt cả tuổi thanh xuân cho tới khi nghỉ hưu, cha đều cống hiến cho đời binh nghiệp. Mẹ kể rằng, hai người cưới nhau chưa đầy hai tháng, cha đã rời làng quê để lên đường nhập ngũ. Hơn chục năm trời lăn lộn, biền biệt nơi chiến trường miền Nam, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đầy gian nan ác liệt, không một dòng tin tức còn sống, hay đã chết..., cha đã khiến mẹ tôi, cũng như bao người thân yêu nơi quê nhà ngóng trông, chờ đợi trong hy vọng, đôi khi muốn cạn dòng nước mắt vì tuyệt vọng...

Rồi Sài Gòn giải phóng, chiến tranh kết thúc, cha tôi là một trong số những người ra trận đanh Mỹ, may mắn trở về. Ngày cha trở lại quê nhà sức khỏe không được tốt bởi những vết thương và những di chứng của chiến tranh mang trên người, nhưng đón cha là cả niềm vui sướng vô bờ bến của mẹ, của ông bà nội, ngoại, cùng dân làng. Nước mắt ai cũng rơi, rơi vì hạnh phúc vì sung sướng, bởi không ai nghĩ còn có ngày cha trở lại quê hương, trong khi đồng đội của cha có rất, rất nhiều người đã đánh đổi xương máu mình cho nền độc lập tự do của dân tộc!

Về quê một thời gian, sức khỏe hồi phục, cha tôi tiếp tục công tác trong Ban Chỉ huy quân sự của huyện nhà. Lần lượt tôi, các em tôi tôi đã ra đời trong giai đoạn cha công tác ở huyện. Cuộc sống đầy gian nan khó khăn nhưng cả cha và mẹ đều chịu thương, chịu khó, chắt chiu để nuôi mấy anh em chúng tôi khôn lớn, ăn học nên người.

Cha tôi luôn thương con cái, thương vợ; cưng chiều hết mực anh em chúng tôi về cái ăn, chuyện mặc..., nhưng giáo dục, rèn rũa tính cách, nếp sống..., thì cha luôn cực kỳ nghiêm khắc, khi bắt chúng tôi phải thực thi đủ đầy răm rắp như kiểu nếp sống... quân đội của cha! Từ chuyện giờ giấc ăn, ngủ, học hành... luôn phải đúng giờ; cho tới làm cái gì, việc gì cũng phải luôn đến nơi đến chốn, dùng vật gì cũng phải ngăn nắp. Ví như, sau lúc thức dậy, trước khi rời khỏi giường phải gấp chăn, mùng gọn gàng... Chính nhờ được giáo dục trên nền tảng nếp sống, tính kỷ luật... quân đội của cha mà mấy anh em chúng tôi luôn đưa nền nếp vào cuộc sống sinh hoạt theo khuôn phép, chứ không lỏng theo kiểu tùy tiện.

Mẹ tôi còn hết lời ngợi khen cha là người chăm chỉ, sống có trách nhiệm không chỉ với xã hội, mà còn với gia đình. Mẹ bảo, mỗi khi tranh thủ về nhà thăm gia đình, hay các kỳ nghỉ phép là bao giờ cha cũng giúp mẹ công việc đồng áng, việc nhà, lo cho các con, và thậm chí cha còn không nề hà gì khi xắn tay áo ra vườn cuốc đất trồng rau, gieo hạt...

Sau nhiều năm phục vụ trong quân đội của thời bình, tính từ ngày cha trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, cha tôi đã xa rời quân ngũ khi tuổi đã xế chiều. Giai đoạn hưu trí tuổi già của cha tôi cũng đâu có được an nhàn ngơi nghỉ, khi mẹ tôi cũng già yếu, kinh tế gia đình chưa mạnh và đàn con vẫn chưa trưởng thành hết... Vì vậy, nỗi lo toan của cha vẫn hằn trên vầng trán bằng vô vàn những nếp nhăn. Sức lực của cha lúc này đã yếu, nhưng cha tôi vẫn lao vào làm việc không quản ngày đêm, thậm chí cha còn bàn với mẹ nhận đấu thầu khoán một cái hồ lớn của HTX, lập trang trại nuôi cá, nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả xung quanh để phát triển kinh tế gia đình. Sau khoảng 5 năm làm trang trại, những tính toán, cùng mồ hôi công sức của cha, mẹ, cùng mấy em tôi bỏ ra đã thu được kết quả mỹ mãn, khi nguồn thu từ việc chăn nuôi, trồng cây ăn quả, rau màu đã vực kinh tế gia đình lên khá giả, thậm chí được coi là “giàu” nhất nhì trong làng, xã.

Khi anh em chúng tôi trưởng thành, xây dựng gia đình riêng và lập nghiệp nơi thành phố nhưng cha, mẹ tôi vẫn sống ở quê, bởi cả cha lẫn mẹ không chịu rời làng quê, bởi cha cho rằng tình làng nghĩa xóm thân thiết nơi quê nhà khiến cha mẹ không nỡ dời đi. Hơn nữa, mẹ nói tuổi già người ta không thích sự ồn ã, bon chen nơi phố thị, vì vậy cứ để cha mẹ sống ở quê cho thoáng đãng, bình yên… Và chúng tôi cũng phải đành lòng chiều theo nguyện vọng của cha mẹ, rồi mỗi khi rảnh rỗi mấy anh chị em chúng tôi lại trở về thăm cha, mẹ, được ăn với cha, mẹ bữa cơm dẫu chỉ là đạm bạc rau muối cũng thấy vui, thấy mãn nguyện…

Thời gian thấm thoắt trôi đi, mới đây thôi vậy mà đã 5 năm cha tôi trở thành người thiên cổ. Thi thoảng từ thành phố về quê thăm nhà, nhìn những kỷ vật của cha từ thời chiến tranh xếp gọn gàng trong ngăn tủ kính dưới ban thờ, như: chiếc ba lô sờn rách; chiếc bi-đông, bộ quần áo lính bạc màu, đôi dép cao su..., hai hàng nước mắt tôi cứ tuôn ròng vì thương, nhớ cha. Thấy tôi bùi ngùi, mẹ nhắc, sắp tới ngày giỗ cha rồi đó! Và bao giờ cũng vậy, năm nào khi chuẩn bị tới ngày giỗ của cha là mẹ tôi, với bàn tay nhăn nheo, tấm lưng còng, bà lại lụi cụi lo lau dọn ban thờ, lau di ảnh của cha cho khỏi lớp bụi vương. Ngay chuyện mang những món kỷ vật của cha ra giũ bụi, rồi sắp đặt, gấp lại gọn gàng thì mẹ tôi cũng luôn nhớ, bởi tôi hiểu mẹ cũng côi cút buồn bã khi thiếu vắng bóng của cha, nên nhiều khi cũng muốn sắp đặt lại những kỷ vật cũ gắn liền với cha cho nguôi ngoai nỗi nhớ...!

Đặng Đức