Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, đã có hàng triệu cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta anh dũng hy sinh. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng và tôn tạo nhiều công trình tưởng niệm… Đã thể hiện sự tri ân, tôn kính, biết ơn và ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ; từng bước đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sỹ và nhân dân trong cả nước; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ còn một số hạn chế, khuyết điểm. Công tác này chưa trở thành một phong trào sâu rộng trong toàn dân. Số hài cốt liệt sỹ chưa tìm kiếm được còn nhiều; tỷ lệ hài cốt liệt sỹ đã quy tập chưa xác định được họ tên, quê quán còn cao. Việc báo tin mộ liệt sỹ đến thân nhân, gia đình liệt sỹ chưa làm được sâu rộng. Công tác quản lý, lưu trữ, khai thác thông tin, tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sỹ chưa khoa học. Việc đầu tư và huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ công tác này chưa đáp ứng yêu cầu. Hợp tác quốc tế trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ và phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ chưa được chú trọng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có lúc chưa đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều bất cập.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn", "Đền ơn, đáp nghĩa" của dân tộc ta. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ với quyết tâm chính trị cao, khẩn trương, tích cực, toàn diện và đạt hiệu quả cao nhất. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Vận động các tổ chức, cá nhân và kiều bào ở nước ngoài cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, hỗ trợ và phối hợp tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
2- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này. Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan là thành viên. Thành lập ban chỉ đạo ở các quân khu và địa phương còn số lượng lớn hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập. Tiếp tục kiện toàn cơ quan tham mưu, chỉ đạo và cơ quan chuyên môn ở các cấp; tổ chức lực lượng chuyên trách của quân đội làm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
3- Sửa đổi, bổ sung và ban hành chính sách, pháp luật về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phương tiện, vật chất, kỹ thuật và phối hợp tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Chủ động kết nối xử lý và khai thác các nguồn thông tin; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội; kiện toàn hồ sơ, sơ đồ mộ chí; xuất bản các ấn phẩm, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ; đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước hiện đại hóa, quản lý khoa học về liệt sỹ, mộ liệt sỹ.
4- Tiếp tục tổ chức tốt việc thông báo, thông tin về mộ liệt sỹ đến thân nhân, gia đình liệt sỹ. Tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ hiện có; xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết chế tri ân liệt sỹ (nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ) ở cấp xã, cấp huyện bằng nguồn ngân sách do Nhà nước bảo đảm, kết hợp với các nguồn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tôn vinh, thăm viếng của nhân dân và thân nhân liệt sỹ.
5- Xây dựng "Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo"; có cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho công tác tìm kiếm, quy tập; bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; khen thưởng, động viên đối với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có thành tích tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập hài cốt số liệt sỹ còn lại đã có thông tin và hoàn thành cơ bản công tác này vào những năm tiếp theo.
6- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị các cấp tham gia đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên tham gia tích cực công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Giao Quân ủy Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ để thực hiện./.
Theo Vietnam+