Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắn tin ủng hộ người nghèo trong Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2016.
Mục tiêu giảm nghèo bền vững còn gặp nhiều thách thức, nhưng đã có những điểm nhấn chuyển biến tích cực.
ngày 25/7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho biết, dự kiến tới hết năm nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều sẽ giảm từ 1-1,5%, đạt yêu cầu của Quốc hội giao, để còn khoảng 4,5% tổng số hộ trên cả nước.
Tuy nhiên, ông Lê Quân đánh giá, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, vì ngoài tỷ lệ tái nghèo thì tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao, lên tới 17,8% trong 6 tháng đầu năm, tức là cứ 100 hộ dân thoát nghèo thì có có gần 18 hộ phát sinh nghèo mới. Chênh lệch giàu nghèo chưa chuyển biến: Năm 2014 khoảng cách thu nhập giữa hộ giàu và nghèo là 9,7 lần, mà năm 2018 đã tăng lên 10 lần.
Thứ trưởng Lê Quân cũng chỉ ra nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên, thiên nhiên phức tạp và khác nhau giữa các vùng nên giải pháp thoát nghèo gắn với sinh kế bền vững chưa hiệu quả. Cũng theo ông Lê Quân, khả năng tiếp cận dịch vụ và thị trường của hộ nghèo chưa lớn. Ví dụ, chính sách BHYT có độ phủ cao, nhưng khâu chi, phát thuốc, chữa bệnh thì rất thấp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cung cấp thêm số liệu tỷ lệ các xã thôn bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn rất thấp. Theo Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo gồm 292 xã và yêu cầu 30% số xã này phải ra khỏi danh sách vào cuối năm 2020, nhưng tới nay mới có 44 xã ra khỏi danh sách này.
Phó Thủ tướng nhận định, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định 131, cũng như chưa thể xoá hộ nghèo là hộ có người có công trong năm 2019.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu ra các tín hiệu tích cực liên quan đến giảm nghèo: “Thời kỳ trước đây có những cá nhân không muốn thoát nghèo, xã, huyện không muốn ra khỏi danh sách nghèo. Tuy nhiên, trong năm 2018 đã có 100 hộ dân ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh viết đơn xin ra khỏi danh sách nghèo. Đây là những kết quả rất tốt đẹp, vì vậy, thời gian vừa rồi đã có hoạt động biểu dương các cá nhân và xã, huyện đã thoát nghèo”.
Theo thống kê, đến hết tháng 6/2019, trong số 44 xã vừa ra khỏi danh sách các xã khó khăn bãi ngang ven biển thì có 42 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, có 8 huyện nghèo đã thoát nghèo, 14 huyện hưởng cơ chế từ Chương trình 30a đã thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, riêng vùng đồng bào dân tộc, tốc độ giảm nghèo đều trên 4%, vượt yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 (giảm 4%). Đặc biệt, có xã tốc độ giảm nghèo lên tới 8%, là cố gắng rất lớn của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân.
Để thúc đẩy giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương quán triệt, triển khai hàng loạt các đề án, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo ban hành. Trong đó tập trung thực hiện sắp xếp dân cư, giao đất, giao rừng, phát triển các mô hình sản xuất mới, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên nền tảng ứng dụng khoa học kỹ thuật và kết nối với thị trường, doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch để tạo thêm sinh kế cho người dân,...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ thế chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỷ lệ tăng trưởng tính dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà là trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để bảo đảm kịp thời phát huy ý nghĩa an sinh xã hội đối với người dân, nhất là các hộ nghèo.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng kiến nghị sẽ sớm tổng kết và đề xuất việc thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng vi mô gắn với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để cho vay tới các hộ gia đình nghèo, các thành viên của hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thành Chung