Bác sĩ, CCB Tống Thanh Mai.

Dù đã hẹn rất nhiều lần những mãi đến lần thứ tư, chúng tôi mới tìm được nhân vật cần tìm bởi cô luôn tất bật tại các công trình làm cầu nông thôn trên các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp

Thấy chúng tôi bán tín bán nghi về câu chuyện người nữ bác sĩ, CCB này, ông Nguyễn Văn Út  - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Tháp quả quyết: “Chuyện thật 100%. Mà đâu chỉ xây một vài cây cầu đâu, đội quân tình nguyện này đã xây tới hơn 130 cây cầu rồi. Cây nào ít nhất cũng 120 triệu đồng, cây nhiều nhất xấp xỉ 400 triệu đồng. Sơ bộ khoảng 30 tỷ đồng. Tất cả đều từ sự vận động của bác sĩ, CCB Tống Thanh Mai (cô Tám Mai) hiện ngụ phường An Hòa, T.P Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Cô Tám Mai là CCB điển hình của Hội CCB tỉnh Đồng Tháp chúng tôi đó”.

Niềm nở tiếp chúng tôi và rất “lính”, cô Tám Mai trông còn khá trẻ so với tuổi 70 của mình. Đặc biệt cô có lối kể chuyện rất hài hước và chân thật.

Năm 1963, lúc 14 tuổi, cô bé Mai đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh Sa Đéc và luôn là “ngòi nổ” của các cuộc biểu tình đòi tự do. Sau đó cô được phân công theo học lớp y sĩ tại khu căn cứ miền Đông. Từ năm 1971 đến 1973, cô bị địch bắt giam ở nhà tù Vĩnh Long, Thủ Đức (Sài Gòn). Trong giai đoạn gian khổ này, cô đã sinh đứa con gái đầu lòng trong nhà tù Vĩnh Long. Đứa bé đã theo mẹ suốt tháng ngày bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì từ người nữ chiến sĩ trung kiên, một đảng viên đầy nghị lực. Năm 1974, cô được trả tự do và trở về Sa Đéc tiếp tục tham gia cách mạng đến ngày giải phóng miền Nam.

Từ năm 1975 đến lúc nghỉ hưu năm 2005, cô Tám Mai giữ nhiều chức vụ tại UBND thị xã Sa Đéc, UBND tỉnh Đồng Tháp. Năm 1989 trong một lần công tác, tình cờ cô bắt gặp nhiều học sinh tiểu học phải đội nắng chờ đò qua sông đến lớp vì không có cầu. Vậy là ý nghĩ phải khẩn trương xây dựng các cây cầu nông thôn để học sinh tới lớp an toàn, nhanh chóng, người dân mua bán nông sản thuận lợi và nhiều tiện ích khác bắt đầu hình thành trong lòng người nữ bác sĩ nhân ái này.

Đem ý nghĩ ấy bàn với người bạn đời cũng là bác sĩ, được sự đồng thuận cao, cô mang số tiền trên 500 triệu đồng dành dụm được của cả gia đình từ trước đến nay để khởi đầu cho cuộc hành trình “bắc cầu miễn phí” cho các vùng quê sông nước. Biết được ý tưởng nhân văn ấy, đã có nhiều đồng đội, các “mạnh thường quân” trong và ngoài tỉnh đến chung tay giúp sức công và của. Những cây cầu từ thiện nối nhau hình thành trên khắp làng quê Đồng Tháp mang theo niềm vui, lòng biết ơn “Biệt đội xây cầu Tám Mai” của người dân vùng nông thôn gian khó Đồng Tháp này.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, 57 tuổi, thành viên “Biệt đội xây cầu Tám Mai” vui vẻ kể: “Thấy chị” hiền hiền vậy chớ hô làm thì làm bài bản, quyết liệt lắm. Tiền bạc xây cầu thì công khai minh bạch, nên tụi tui rất tâm phục, khẩu phục”.

Là bác sĩ nhưng hiện nay cô Tám Mai đang là Chi hội trưởng Chi hội KHKT cầu đường T.P Sa Đéc. Kể về câu chuyện trái khoáy này, bác sĩ Tống Thanh Mai nói: “Mình muốn làm cầu nông thôn thì phải hiểu về kết cấu, cách thi công thì mới tiết kiệm chi phí, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Từ đó tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu các tư liệu có liên quan. Giờ thì rành rẽ rồi đó nghe” - cô cười rất duyên.

Không chỉ dành thời gian đi chỉ huy các công trình thi công cầu đường, cô  Tám Mai còn thường xuyên đi khảo sát, dành lương hưu của mình giúp đỡ đồng đội cũ gặp khó khăn về nhà ở. Cạnh đó, bằng uy tín của mình lúc đương nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Đéc; Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Đồng Tháp, cô vận động nhiều nơi giúp đỡ trẻ em nghèo, khó khăn, người già neo đơn, xây dựng rất nhiều mái ấm tình thương cho người khốn khó.

Khi chúng tôi hỏi về những thành tích mà cô được khen thưởng suốt 42 năm cống hiến, cô chỉ cười và lắc đầu với lời đáp: “Chuyện nhỏ, có gì mà kể. Nhiều người còn hy sinh, cống hiến nhiều hơn lắm. Bỏ qua cái chuyện thành tích nghe”.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi phải tạm dừng bởi “thủ lĩnh” “Biệt đội xây cầu Tám Mai” chuẩn bị đi khảo sát hai chiếc cầu mới. Nhìn thái độ khẩn trương, nhanh nhẹn, với nụ cười rất nhân hậu của cô, chúng tôi nghe lòng ấm áp và ngưỡng mộ đến lạ thường trước CCB Tống Thanh Mai, 70 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng đã và đang công hiến cho đời kể cả trong thời chiến xưa và thời bình nay.

Song Anh