Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, sốt xuất huyết (SXH) có hai biến chứng là hạ tiểu cầu trong máu ngoại biên gây xuất huyết và biến chứng tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch có thể dẫn đến sốc.

Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua. Trong khi đó, biến chứng thoát dịch đôi khi người bệnh khó nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới phát hiện ra. Khi bị SXH, giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt nên đôi khi người bệnh chủ quan cho rằng bệnh đã khỏi. Bởi vậy ở giai đoạn này, người bệnh cần theo dõi sát các dấu hiệu của cơ thể để kịp thời đến bệnh viện khi có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất: Chảy máu, các chấm hay đốm màu đỏ trên da, chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều, chảy máu âm đạo; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; khó thở. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường thì nên đến bệnh viện để được xử trí.

Nguyên tắc cần tuân thủ khi bị sốt xuất huyết

Khi người bệnh có biểu hiện sốt cần đi khám để xác định do SXH hay nguyên nhân khác để được xử lý đúng. Nếu sốt do SXH, người bệnh nên tuân thủ các nguyên tắc sau:

Nghỉ ngơi và uống đủ nước: Khi cơ thể đang sốt cao, hãy nghỉ ngơi, hạ sốt, uống nhiều nước và dinh dưỡng đầy đủ. Trong đó, sữa, nước hoa quả và các dung dịch điện giải oresol và nước cơm được khuyến khích dùng với người bệnh.

Chỉ uống hạ sốt paracetamol: Liều hạ sốt được khuyến cáo là < 4gram mỗi ngày đối với người lớn. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, còn việc phối hợp thêm các thuốc khác phải theo chỉ định của thầy thuốc. Bệnh nhân cần lưu ý tuyệt đối không dùng các thuốc hạ sốt họ salicylat (aspirin), mefenemic acid (ponstan), hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID). Bệnh nhân không tự ý uống kháng sinh. Bởi SXH là bệnh do virus gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Vì vậy, uống kháng sinh không mang lại tác dụng điều trị.

Để chủ động phòng chống bệnh SXH ngành y tế khuyến cáo

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn.

- Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự điều trị tại nhà.

Thành An