Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện một bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore.

Căn bệnh Whitmore khiến nhiều người lo sợ với cái tên “vi-rút ăn thịt người” vốn không hiếm gặp như nhiều người lầm tưởng, mà có thường xuyên nhưng không gây ra dịch.

Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn", vi khuẩn gây bệnh luôn có trong bùn đất nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người.

Căn bệnh không hiếm gặp

Chia sẻ với phóng viên về căn bệnh đang gây xôn xao dư luận, có tỷ lệ tử vong cao khiến nhiều người lo sợ, GS, TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết: “Trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Ngoài ra, có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Căn bệnh này được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số địa phương. Vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2 đến 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát, bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Đơn cử như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi. Vi-rút này gây ra tổn thương ở phổi giống như tụ cầu của bệnh lao, làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán. Đối với bệnh Whitmore, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh phải dựa vào các yếu tố vi sinh vật học như bộ KIT giúp chẩn đoán bệnh Whitmore tốt hơn, từ đó phát hiện được nhiều ca bệnh.

GS, TS Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, bệnh Whitmore không phải là hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch và phải khẳng định bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn", vi khuẩn luôn có trong bùn đất nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh. Do đó, với những người lao động có tiếp xúc với bùn đất cần có các dụng cụ bảo hộ lao động. Đặc biệt, đối với người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động. Còn việc điều trị bệnh này quá khó khăn là do phải sử dụng kháng sinh tấn công liều cao trong ít nhất khoảng hai tuần và sau đó duy trì tiếp tục từ 3 đến 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong.

Vì sao bệnh nhân Whitmore dễ tử vong?

Trả lời câu hỏi này của phóng viên, bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Qua theo dõi, những bệnh nhân mắc bệnh Whitmore phần lớn là nông dân. Những người có bệnh mãn tính, như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính, lạm dụng rượu... có nhiều nguy cơ mắc bệnh nhất. Hơn nữa, bệnh Whitmore không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, dễ chẩn đoán nhầm. Cùng với đó là do thời gian theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân bỏ cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Mặt khác, căn bệnh này hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh thường tập trung vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11, vì vậy, người dân khi làm việc với môi trường đất, nước cần có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Bên cạnh đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, người dân cần nhanh chóng tới khám ở những cơ sở y tế đủ năng lực chẩn đoán, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, những bệnh nhân từng nhiễm Whitmore nên thường xuyên đi tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao. Thời gian điều trị bệnh Whitmore kéo dài nên cần có sự kiên trì, không bỏ cuộc.

Tuy chưa có vắc-xin phòng bệnh, nhưng nếu bệnh nhân được chẩn đoán xét nghiệm sớm và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể. Cảnh báo về căn bệnh này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh Whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí (đa áp xe), nhiễm trùng đường tiết niệu. Biểu hiện này xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hoặc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, với người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp với đất có triệu chứng này thì bác sĩ hãy nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh Whitmore và cho chỉ định cấy máu, mủ, đờm hoặc nước tiểu ngay. Đối với người nhiễm bệnh, nếu có bệnh cảnh và các triệu chứng như trên thì phải đến ngay các bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị bệnh. Đối với người bình thường, hạn chế tiếp xúc với bùn đất sẽ tránh nguy cơ bị vi khuẩn tấn công.

DIỆP CHÂU