Theo chị Lương Thị Định, mẹ cháu kể lại, chiều hôm qua, ngày 02/11, hai anh em đang ăn quả na, cháu Bảo ho một tiếng, sau đó xuất hiện khó thở dữ dội, mắt trợn ngược, dãy dụa, tím tái, vã mồ hôi. Gia đình ngay lập tức đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc. Tại đây cháu được chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở, bệnh viện vừa cấp cứu, vừa làm các thủ tục chuyển lên tuyến trên để soi gắp dị vật. Đồng thời lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc đã điện thoại thông báo xin hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhận được tin, Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chỉ đạo Khoa Cấp cứu - Chống độc, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị sẵn sàng đón tiếp và cấp cứu bệnh nhân nhi.
Bé nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng khó thở nặng, thở rít, tím tái, lờ đờ. Phổi phải thông khí mất, phổi trái giảm thông khí. Sau khi các bác sỹ khám, hội chẩn cấp cứu, thống nhất chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở, ngay lập tức trẻ được chuyển thẳng lên khoa Gây mê hồi sức để soi gắp dị vật.
Kíp soi gắp dị vật gồm Bác sỹ Trần Xuân Sơn, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng và Bác sỹ Nguyễn Trung Dũng, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức. Bệnh nhi được hồi sức, gây mê tĩnh mạch, đồng thời tiến hành soi khí quản gắp được một hạt na kích thước 18 x 9 mm, nằm ở ngã 3 khí quản, lệch về khí quản gốc bên phải. Sau soi gắp thông khí phổi hai bên cháu Bảo đều, hết rít, trẻ hết tím tái.

Bác sỹ Sơn khám lại cho bệnh nhi sau khi soi gắp dị vật

Bác sỹ Sơn cho biết “Khi nội soi đường thở cho cháu Bảo, tôi phát hiện dị vật là hạt na nằm ở ngã ba khí quản, lệch về phía phế quản gốc bên phải. Chúng tôi đã tiến hành gắp dị vật bằng panh chuyên dụng, tuy nhiên do hạt na có dạng hình thoi, vỏ cứng lại trơn trượt nên rất khó gắp. Đây là một trường hợp nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng do sự phối hợp nhịp nhàng, bệnh nhi được chẩn đoán sớm, chuyển viện, cấp cứu, soi gắp kịp thời nên kết quả rất tốt, cháu bé đã phục hồi gần như hoàn toàn ngay sau khi soi gắp dị vật ra ngoài”
Hiện tại cháu Bảo hết khó thở, toàn trạng bình thường và đang được điều trị, theo dõi tại khoa Tai Mũi Họng. Theo dự kiến cháu sẽ được xuất viện trong một hai ngày tới.
Dị vật đường thở là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 - 4 tuổi. Theo thống kê thì có đến 25% gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và 95% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở hay gặp nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...
Đối với người lớn, dị vật đường thở xảy ra do ăn uống bị sặc, nghẹn, chất nôn trào ngược vào đường thở. Ngoài ra cũng có thể do tai nạn làm cho máu, chất dịch, răng, bùn, đất rơi vào đường thở...
Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân bị dị vật đường thở có thể bị bất tỉnh, ngừng tim và dẫn đến tử vong.
Để hạn chế xẩy ra tai nạn bị dị vật đường thở, chúng ta cần:
Tuyên truyền để nhiều người được biết rõ những nguy hiểm của dị vật đường thở.
Không nên để cho trẻ em đưa các vật và đồ chơi vào mồm ngậm và mút.
Không nên để cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như: hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa...
Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
Người lớn cần tránh thói quen ngậm dụng cụ vào miệng khi làm việc.
Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa đi bệnh viện ngay.

Lê Anh Thi