Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất từ dạ dày lên thực quản. Khi hiện tượng trào ngược gây ra triệu chứng hoặc tổn thương thực thể được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: Uống rượu, hút thuốc; thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, sô cô la; các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, phụ nữ có thai, thoát vị hoành.

Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản

Ợ nóng: Là triệu chứng thường gặp nhất, đó là cảm giác gây ra do các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước.

Ợ chua: Là hiện tượng do các thành phần acid của dịch dày hoặc thực quản trào ngược lại ra vùng hầu họng.

Buồn nôn và nôn: Dịch vị và axit, thức ăn trào ngược vào trong khoang miệng làm miệng tiết nhiều nước bọt trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, dạ dày co thắt liên tục đẩy axit và thức ăn ra ngoài khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn và bị nôn trớ.

Nuốt khó: Xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân trào ngược, đó là cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt. Nuốt khó, hay nghẹn là triệu chứng cần cảnh giác với ung thư thực quản.

Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp các triệu chứng không điển hình hoặc do biến chứng như nuốt đau, nôn, ợ hơi; khàn tiếng, đau họng, ho; tăng tiết nước bọt; hen phế quản…

Lời khuyên của bác sĩ

TS. bác sĩ Dương Trọng Hiền - Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Trào ngược dạ dày thực quản gây nên những biến chứng nguy hiểm nên cần soi thực quản dạ dày định kỳ, hoặc soi dạ dày thực quản khi có một trong các dấu hiệu nêu trên. Khi phát hiện ra bệnh cần điều trị sớm và triệt để, điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao và người bệnh càng ít bị biến chứng.

Trong cuộc sống hằng ngày cần:

- Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu… vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.

- Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả, hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa…), nước có ga, thức ăn cay, nóng, sô cô la…

- Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá. Không mặc quần áo quá chật, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.

- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.

Sai lầm hay mắc phải của người bệnh thường tự ý mua thuốc về dùng, không theo chỉ định của bác sĩ, vì mỗi người bệnh có tình trạng bệnh lý khác nhau. Vì vậy, người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định điều trị thích hợp thì bệnh mới mau lành và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và do dùng thuốc.

Thành An