Thoái hóa khớp gối là tình trạng hư hỏng phần sụn, đệm giữa hai đầu xương có kèm theo phản ứng viêm và giảm sút lượng dịch nhày giúp bôi trơn, do đó gây đau và cứng khớp. Bệnh chủ yếu gặp ở người trên 40 tuổi đặc biệt là sau 60 tuổi.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Theo TS.BS. Tăng Hà Nam Anh - Giảng viên Trường đại học Y dược T.P Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng nhưng thường gặp nhất là do những tác nhân sau đây:

Tuổi tác: Tuổi càng cao thì quá trình lão hóa xương khớp diễn ra càng mạnh, lúc này các khớp xương bị bào mòn, cọ xát với hệ dây thần kinh, dây chằng và gây thoái hóa khớp gối. Đối tượng có độ tuổi từ 45 trở lên cần hết sức cảnh giác.

Yếu tố nội tiết: Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh là đối tượng dễ mắc bệnh hơn do nội tiết nữ bị suy giảm trầm trọng, làm giảm khả năng cung cấp chất dịch nhầy nuôi dưỡng sụn khớp.

Chấn thương: Khớp đầu gối bị tổn thương do tai nạn, ngã, va chạm,… nhưng không được điều trị triệt để sẽ gây thoái hóa khớp gối.

Sinh hoạt không đúng tư thế: Ngồi, đứng quá lâu tại một chỗ hoặc ngủ nghỉ sai tư thế sẽ gây áp lực cho khớp gối.

Lao động quá sức: Thường xuyên khuân vác đồ nặng, không nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến các khớp xương thoái hóa nhanh hơn.

Tập luyện sai cách: Tập quá sức, tập không đúng động tác sẽ gây tổn thương khớp gối.

Nguyên nhân bệnh thoái hóa khớp gối khác: Thừa cân, lạm dụng chất kích thích, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt canxi…

Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Người bệnh sẽ thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng điển hình như: cơn đau âm ỉ tại khớp gối, cường độ đau tăng dần theo thời gian khi người bệnh vận động hoặc di chuyển. Khi chân co duỗi sẽ phát ra tiếng kêu lục cục, lạo xạo ở đầu gối. Bệnh nhân thấy cơ cứng khớp đầu gối vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Lúc này người bệnh không cử động được bình thường, phải mất khoảng 15-20 phút để khớp giãn ra. Do phần khớp gối cơ cứng nên vận động chi dưới bị hạn chế, việc di chuyển cũng trở nên khó khăn hơn, khó duỗi, gập, nhấc chân thẳng. Đầu gối của người bệnh bị sưng tấy do thoái hóa khớp gối. Tình trạng này sẽ được chữa trị bằng thực hiện chọc hút dịch giúp giảm đau và sưng đầu gối. Khớp gối bệnh nhân bị biến dạng, teo ổ khớp. Điều này báo hiệu phần sụn đã bị tổn thương nghiêm trọng và cần phải có những biện pháp điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Chuyên gia Y tế cảnh báo người bệnh nếu thấy cơ thể bị sưng đỏ, đau nhức khớp đầu gối thì cần đến bệnh viện để kiểm tra, có phương pháp điều trị ngay, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Lời khuyên của thầy thuốc

Người thoái hóa khớp gối cần hạn chế đứng lâu, đi bộ nhiều, trong đợt đau cấp tính cần được nghỉ ngơi. Những động tác thể dục phù hợp là bơi và đạp xe đạp, thời gian trung bình 30 phút/ngày. Cần có chế độ ăn uống giàu canxi và khoáng chất; kiểm soát cân nặng. Đây là những điều cần thiết giúp phòng ngừa, điều trị và chống tái phát ở những người bệnh thoái hóa khớp gối .

Thành An