Cần rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch rửa mũi chuyên dụng hằng ngày.
Polyp mũi là một tổn thương giống u, lành tính tại niêm mạc mũi xoang, có dạng hình giọt nước hay chùm nho. Tỷ lệ mắc polyp mũi tăng lên theo tuổi và cao nhất ở tuổi từ 40-60, liên quan phổ biến nhất với viêm mũi xoang mạn tính.
Các polyp mũi có thể hình thành bất cứ nơi nào trong xoang hoặc mũi, nhưng chúng xuất hiện thường xuyên nhất trong vùng phức hợp lỗ ngách, nơi mà các dẫn lưu của các xoang vào mũi. Polyp mũi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng diễn biến kéo dài dai dẳng, tác động nhiều tới chức năng thở của người bệnh, làm cho bệnh nhân mệt mỏi ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như khả năng lao động và học tập của người bệnh. Đồng thời làm giảm chức năng ngửi ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Triệu chứng: Polyp mũi là những khối mềm, không đau, ở bên trong mũi. Chúng thường xuất hiện ở những xoang phía trên dẫn lưu về mũi (nơi mắt, mũi và xương gò má gặp nhau). Thậm chí bạn có thể không biết mình có polyp mũi do chúng thiếu thần kinh cảm giác. Polyp có thể phát triển lớn đủ làm tắc nghẽn mũi, gây ra ngạt mũi kéo dài. Các triệu chứng có thể bao gồm: Nghẹt mũi; chảy nước mũi; chảy nước mũi sau, khi quá nhiều đờm chảy xuống thành sau họng; cảm giác về mùi giảm; thở bằng miệng; cảm thấy tăng áp lực ở trán hoặc mặt; ngừng thở khi ngủ; ngáy…
Biến chứng của polyp: Polyp mũi có thể làm cản trở luồng không khí và dẫn lưu dịch bình thường, cũng như do viêm mạn tính dẫn đến sự phát triển của chúng nên có thể gặp. Khó thở khi ngủ: Trong tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn này, có thể gây ra ngừng thở trong khi ngủ; bùng phát cơn hen phế quản: Viêm mũi xoang mạn tính có thể làm trầm trọng thêm cơn hen phế quản; nhiễm trùng xoang: Polyp mũi có thể làm cho dễ bị nhiễm trùng xoang tái phát thường xuyên hoặc trở nên mạn tính.
Cách phòng bệnh:
Quản lý dị ứng và hen: Làm theo khuyến cáo điều trị của bác sĩ để kiểm soát hen phế quản và dị ứng. Nếu các triệu chứng không được kiểm soát tốt, hãy trình bày với bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị.
Tránh các chất kích thích mũi: Tránh hít thở các chất có trong không khí có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như chất gây dị ứng, khói thuốc lá, khói hóa học, bụi…
Thực hiện vệ sinh tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Đây là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virut có thể gây viêm mũi và xoang.
Làm sạch mũi: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch rửa mũi chuyên dụng hằng ngày giúp thuận lợi cho dẫn lưu chất nhầy và loại bỏ các chất gây dị ứng và các chất kích thích khác ra khỏi mũi xoang.
Làm ẩm nhà của bạn: Sử dụng máy làm ẩm nếu không khí trong nhà của bạn có xu hướng khô. Điều này có thể giúp làm ẩm đường thở của bạn, cải thiện dẫn lưu chất nhầy từ xoang, và giúp ngăn ngừa ngạt tắc mũi và viêm mũi xoang.
Thành An