Ngày 15-1-1969, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phát động tổng công kích đợt 1 (chiến dịch vận chuyển mùa khô 1969-1970), với chỉ tiêu một tháng, Binh trạm 14 vận chuyển 1 vạn tấn hàng vào giao ở khu vực đường 9. Lúc này, tôi đang là Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn ô tô 52, Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Vào chiến dịch, đường 20 trở thành trục vận tải quan trọng nhất, vì từ Quảng Bình, chuyển hàng theo đường 20 vào đường 9 là tuyến ngắn nhất. Cũng vì thế mà địch tập trung ngăn chặn, hủy diệt trục vượt khẩu này. Cùng với sử dụng bom phá, địch kết hợp sử dụng bom phát quang, bom sát thương, các lại mìn... Chỉ sau một tháng đầu mùa khô, khu vực Chà Là vốn kín đáo, còn khá nhiều cây cối, đã bị địch oanh tạc thành bình địa. Từ cua Chữ A vào tới Chà Là dài 17km là cả một tập đoàn trọng điểm.

Thủ đoạn đánh phá mới của địch lúc này là: Sau khi dùng bom phá đánh vào trọng điểm, địch cho rải bom sát thương, bom nổ chậm, mìn vướng, mìn lá... gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất khi khắc phục.

Thời gian này có một đoàn xe gồm 7 chiếc chở 200 quân vào chiến trường. Khi đi qua Văng Mu, bị địch ném bom, tuy không trúng đội hình đoàn xe, nhưng anh em chưa nắm được thủ đoạn đánh phá của địch, vội vàng xuống xe, chạy vào rừng hai bên đường ẩn nấp, bị vướng mìn lá, bom từ trường, thương vong gần 60 đồng chí.

Trong một chuyến ngồi cùng xe, chỉ huy Đại đội chuyển hàng vượt trọng điểm Ca Tốc; khi xe chúng tôi tới trọng điểm, thì được anh em công binh báo có một quả bom từ trường, địch mới ném xuống sát lề đường. Trong khi một vài anh em còn do dự, thì anh Lê Huy Tưởng bình thản cầm chắc tay lái, nổ máy lấy đà, rồi dấn ga, cho xe phóng với tốc độ cao, “bay” qua chỗ có bom từ trường, kích cho bom nổ. Anh Tưởng bị thương nhẹ, xe có sây sát chút ít, nhưng giải phóng được đường. Đội hình của Đại đội tiếp tục cho xe lăn bánh ra phía trước.

Trong một chuyến chỉ huy Đại đội nhận hàng ở Khu C vào giao ở Lùm Bùm, tôi ngồi xe của Nông Văn Thất (quê Thái Nguyên) đi cuối đội hình. Lượt đi, địch có đánh, nhưng cả Đại đội an toàn, vào giao hàng và quay ra luôn trong đêm. Khi quay về đến gần trọng điểm Ca Tốc, thì địch rải bom từ trường, có một quả rơi ngay mép đường. Lúc đó đã gần 3 giờ sáng. Nếu nằm lại gần trọng điểm vài giờ nữa thì khó lòng thoát khỏi đám OV.10 soi mói. Cho dừng xe lại, hỏi anh em công binh trực chiến tại trong điểm, được biết các nhánh đường tránh cũng đã bị vướng bom từ trường; tôi suy tính rồi quay sang hỏi Nông Văn Thất:

- Có cách gì khắc phục không em?

- Thủ trưởng còn đang bí, hỏi chi chúng tôi!

- Có dám phóng qua chỗ có bom không?

- Thủ trưởng cho phép thì em làm ngay.

- Thành công là năm mươi/năm mươi thôi. Nhưng vì không có cách nào khả dĩ hơn lúc này. Chả lẽ, nằm đây đợi OV.10 đến “hỏi thăm”. Đã quyết thì ta làm ngay - tôi vừa giải thích, vừa như ra lệnh.

Lập tức, tôi lệnh cho anh em sẵn sàng vượt trọng điểm, rồi nhảy lên ca bin, ngồi cùng Thất. Sau khi cho xe nổ máy, tăng ga, lấy đà, Thất nhấn ga, cho xe lao qua trọng điểm. Băng qua trạm trạm gác ba-ri-e chưa tới 100m, tôi nghe “ục” một tiếng, rồi xe khựng lại. Như một phản xạ, Thất bật kêu:

- Chết rồi, xe bị rồi!

- Giật cánh cửa buồng lái, tôi nhảy ngay xuống đất. Nhìn phía sau xe, qua làn khói và bụi đất sặc sụa, tôi vẫn nhìn thấy hố bom lớn tướng đặc quánh khói, cách mặt đường chừng 5m. Kiểm tra xe, không thấy hỏng hóc gì, tôi bảo Thất nổ máy. Tiếng máy rộn ràng trong đêm. Niềm vui cũng rộn lên trong tôi.

- Toàn Đại đội vượt trọng điểm - Tôi hô to!

Tuy chỉ mới thắng địch bằng ý chí, nhưng bước đầu, chúng tôi đã vượt qua lực cản là nỗi sợ bom từ trường. Về sau, công binh ta có nhiều cách vô hiệu loại bom nguy hiểm này. Khi thì tìm kiếm, tháo gỡ; khi thì dùng xe phóng từ gây nổ...

Đã tròn 50 năm trôi qua kể từ ngày “thi gan” với bom từ trường, giờ đây nghĩ lại vẫn khó lý giải được vì sao khi đó mọi chuyện sống, chết thật giản đơn và ý chí con người quả thật mạnh hơn bom đạn. Trước nhiệm vụ đơn vị, Quân đội giao, chuyện sống chết nhẹ tựa lông hồng. Toan tính đơn giản nhất khi đó là: Nếu xe qua nhanh, thì tính mạng được bảo toàn, chúng tôi sẽ đi tiếp, sẽ lại hoàn thành nhiệm vụ và ngược lại...

Nhắc lại kỷ niệm trên, trong tôi nhói lên nỗi nhớ thương Nông Văn Thất. Sau một thời gian là lính của Đại đội 1, Thất được điều chuyển sang đơn vị mới và người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên đã anh dũng hy sinh trong một chuyến chuyển hàng cho phía trước, vĩnh viễn ở lại với đại ngàn Trường Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Anh tuấn kể Duy Tường ghi