
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Ảnh: Khương Doãn
Xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại” là yêu cầu tất yếu khách quan, một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiến trình này đang thực hiện hiệu quả, vậy mà các thế lực thù địch lại xuyên tạc, kích động, đưa ra các luận điệu sai trái nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, biến quân đội thành lực lượng trung lập, vô hiệu hóa sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định nền tảng tư tưởng là yếu tố cốt lõi, giữ vai trò quyết định sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và năng lực hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là cơ sở lý luận khoa học vững chắc để Đảng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, sự nghiệp quốc phòng - an ninh nước ta đứng trước nhiều thời cơ, song cũng không ít thách thức. Đặc biệt, các thế lực thù địch ngày càng ráo riết, quyết liệt tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm suy yếu Quân đội nhân dân Việt Nam cả về chính trị, tư tưởng lẫn tổ chức.
Một trong những nội dung trọng điểm mà các thế lực thù địch nhắm vào là xuyên tạc, phủ nhận chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “tinh, gọn, mạnh”. Chúng bóp méo bản chất, mục tiêu của chủ trương này, kích động tâm lý hoang mang trong nội bộ Quân đội và Nhân dân.Kêu gọi “phi chính trị hóa Quân đội”, đòi Quân đội đứng ngoài chính trị.
Trước tình hình đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.Chủ động và tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.Đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, giáo dục và lãnh đạo. Từ khi thành lập đến nay, Quân đội ta luôn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Bản chất giai cấp công nhân, tính Nhân dân và tính dân tộc sâu sắc của Quân đội là những đặc trưng nổi bật, nhất quán và không thể thay đổi.
Trong mọi giai đoạn cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội luôn là nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, thể hiện qua việc định hướng chính trị, xây dựng tổ chức, hoạch định chiến lược, quy hoạch cán bộ, quản lý tư tưởng, kỷ luật và đảm bảo hậu phương Quân đội. Sự lãnh đạo ấy chính là yếu tố quyết định thắng lợi của Quân đội trong chiến đấu, huấn luyện và xây dựng.
Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là bảo vệ bản chất cách mạng, sức mạnh chiến đấu và sự trưởng thành của Quân đội. Việc phủ nhận vai trò của nền tảng tư tưởng là âm mưu nguy hiểm, nhằm tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng - bước đi đầu tiên để biến Quân đội thành lực lượng chính trị trung lập, vô tổ chức, vô kỷ luật.
Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là yêu cầu khách quan từ tình hình mới.Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chiến tranh hiện đại đặt ra yêu cầu cao về tổ chức, trang bị, huấn luyện và tác chiến. Chiến tranh hiện đại đòi hỏi Quân đội phải có cơ cấu tổ chức hợp lý, lực lượng tinh nhuệ, phản ứng nhanh, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị công nghệ cao. Yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, vừa không làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội. Việc duy trì một Quân đội quá đông về quân số, cồng kềnh về tổ chức sẽ làm gia tăng gánh nặng chi tiêu ngân sách, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành tái cơ cấu Quân đội, giảm quân số, tăng cường sức mạnh thực chiến và hiện đại hóa vũ khí, trang bị. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Chúng ta xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh để phù hợp với bối cảnh mới, không đồng nghĩa với từ bỏ nguyên tắc chiến lược bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp.
Chủ trương xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” -bước đi chiến lược, đúng đắn. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", nêu rõ: “Xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”.Luật Quốc phòng 2018 khẳng định rõ nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng, tiến tới xây dựng quân đội hiện đại vào năm 2030”. Đây là mục tiêu chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa và sự nhạy bén của Đảng trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển quân sự hiện đại trên thế giới.
“Tinh, gọn, mạnh” không chỉ là khẩu hiệu mà là định hướng hành động cụ thể, có nội hàm rõ ràng:Tinh làgiảm số lượng, tăng chất lượng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, khả năng tác chiến linh hoạt; Gọn là Tổ chức lại lực lượng theo hướng tinh giản, khoa học, phù hợp với chiến tranh công nghệ cao, không để tổ chức chồng chéo, cồng kềnh; Mạnh làPhát triển toàn diện cả chính trị, tư tưởng, tổ chức và kỹ thuật. Trang bị hiện đại, tác chiến hiệu quả, nâng cao khả năng phản ứng nhanh và độc lập chiến đấu trong mọi tình huống.
Chủ trương này không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực mà còn giúp Quân đội thích ứng tốt hơn với các dạng chiến tranh mới như chiến tranh mạng, chiến tranh phi truyền thống, chiến tranh không gian.Thực tế cho thấy, càng gần với tiến trình xây dựng quân đội hiện đại, các thế lực thù địch càng ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoang mang trong dư luận xã hội.Xuyên tạc về tinh giản biên chế. Chúng cho rằng việc giảm biên chế là làm suy yếu quốc phòng, làm mất khả năng phòng thủ. Chúng cố tình đánh tráo khái niệm giữa "giảm quân số" và "giảm sức mạnh chiến đấu", từ đó gieo rắc tâm lý lo lắng trong quân đội và người dân.Đòi “phi chính trị hóa” quân đội.Đây là thủ đoạn nguy hiểm và thâm độc nhất. Chúng cổ vũ mô hình quân đội "trung lập về chính trị", đứng ngoài sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái nào. Thực chất, đây là chiêu bài nhằm làm tan rã vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, biến Quân đội thành công cụ phục vụ lợi ích nhóm, bị thế lực thù địch điều khiển.
Bôi nhọ, xuyên tạc các chủ trương cải cách tổ chức.Chúng lợi dụng một số sơ hở, thiếu sót trong quá trình sắp xếp bộ máy để tung tin thất thiệt, gây nghi ngờ, hoài nghi vào đường lối cải cách. Chúng sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch, video giả mạo, hình ảnh xuyên tạc, từ đó tác động vào tâm lý, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.Kích động tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, thực dụng trong cán bộ, chiến sĩ.Chúng tuyên truyền rằng việc tinh giản biên chế khiến cán bộ mất chức, mất quyền lợi, từ đó thúc đẩy tâm lý tiêu cực, hoài nghi và bất mãn trong nội bộ Quân đội.
Nếu không kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chúng ta có thể đối diện với các hậu quả nguy hiểm. Làm suy yếu niềm tin chính trị, dẫn đến mất phương hướng tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.Phá vỡ khối đoàn kết quân - dân, làm rạn nứt mối quan hệ gắn bó giữa Quân đội với Nhân dân.Làm chệch hướng xây dựng Quân đội hiện đại, gây đình trệ trong công tác tổ chức, huấn luyện, phát triển lực lượng.Tạo tiền đề cho sự can thiệp từ bên ngoài, nếu Quân đội bị “phi chính trị hóa”, quốc phòng sẽ không còn đặt dưới sự lãnh đạo của một trung tâm quyền lực vì lợi ích dân tộc.
Để chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đấu tranh hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả về chính trị - tư tưởng, tổ chức, pháp lý và truyền thông. Các giải pháp cần có trọng tâm, sát thực tiễn, linh hoạt nhưng phải kiên quyết, không khoan nhượng trước các biểu hiện sai trái như sau:
Một là, giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, có tính sống còn đối với sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng không chỉ định hướng về đường lối chiến lược mà còn trực tiếp lãnh đạo về tổ chức, cán bộ, tư tưởng và chính sách. Việc kiên định nguyên tắc này giúp ngăn chặn từ gốc rễ mọi âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, giữ vững bản chất cách mạng và vai trò trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Nhân dân của lực lượng vũ trang.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm các tổ chức Đảng trong Quân đội hoạt động đúng nguyên tắc, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện; xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hai là,tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nền tảng của quá trình xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.Tổ chức thường xuyên các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân.Tăng cường học tập các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng Đảng;Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, nhà trường Quân đội; đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào chương trình học tập chính khóa.Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên trong định hướng tư tưởng, nắm bắt dư luận, phòng ngừa và xử lý kịp thời các biểu hiện lệch lạc.
Ba là,chủ động đấu tranh trên không gian mạng, truyền thông xã hội.Không gian mạng đang là “mặt trận nóng” trong chiến lược diễn biến hòa bình. Do đó cần xây dựng các lực lượng đấu tranh chuyên trách trong quân đội , kết hợp với lực lượng dư luận xã hội tích cực.Chủ động phản bác, làm thất bại các thông tin sai trái, thù địch, tin giả, xuyên tạc. Dùng lý luận sắc bén, chứng cứ rõ ràng để bóc trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động.Tăng cường truyền thông chính thống, phát triển các nền tảng số của Quân đội để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, định hướng dư luận tích cực, nâng cao “sức đề kháng” của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
Bốn là,thực hiện có hiệu quả chủ trương tinh, gọn, mạnh đi đôi với ổn định tư tưởng trong tổ chức quân đội. Việc xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh không chỉ là bài toán về tổ chức, mà còn là nhiệm vụ chính trị - tư tưởng quan trọng. Cần:Tổ chức lại lực lượng một cách khoa học, theo đúng lộ trình đã được Đảng và Quân ủy Trung ương phê duyệt.Có chính sách hậu phương quân đội hợp lý, giải quyết thấu đáo quyền lợi của quân nhân xuất ngũ, tinh giản, để họ yên tâm công tác, không bị thiệt thòi.Tăng cường đối thoại, nắm bắt tâm tư cán bộ, chiến sĩ trong quá trình sắp xếp tổ chức để tránh phát sinh tâm lý tiêu cực.
Năm là, nâng cao vai trò phối hợp giữa các lực lượng trong hệ thống chính trị. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ không chỉ của riêng quân đội mà của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân. Vì vậy:Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa quân đội với công an, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… để tuyên truyền, giáo dục quốc phòng - an ninh cho toàn dân.Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với giữ vững “thế trận lòng dân”.Tăng cường các hoạt động dân vận, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội và Nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ, kích động.
Sáu là,phát triển lý luận quân sự hiện đại gắn với nghiên cứu bảo vệ tư tưởng của Đảng. Cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận quân sự, đặc biệt là xây dựng hệ thống quan điểm, luận cứ khoa học để phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất, sứ mệnh của Quân đội ta.Đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu chính trị - quân sự, các học viện Quân đội để xây dựng hệ thống tài liệu có tính chiến lược.Phát hiện và bồi dưỡng lực lượng cán bộ, sĩ quan có tư duy lý luận, có khả năng viết bài phản bác và tham gia tranh luận học thuật.Tổ chức các cuộc thi, hội thảo khoa học, diễn đàn chính luận nhằm lan tỏa tiếng nói phản biện có cơ sở lý luận vững chắc, góp phần định hướng dư luận.
Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, sự trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là nhiệm vụ chiến lược, thể hiện sự vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện thực tiễn hiện nay.Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng tìm cách chống phá, với âm mưu làm suy yếu lực lượng vũ trang, tiến tới phá hoại sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, việc xuyên tạc chủ trương xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” là một chiêu bài nguy hiểm nhằm gây rối nội bộ, phá hoại niềm tin của quân - dân vào sự lãnh đạo của Đảng.Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần phát huy cao độ tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định nền tảng tư tưởng, kiên quyết đấu tranh phản bác mọi luận điệu sai trái, thù địch; đồng thời đẩy mạnh xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, đảm bảo hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần đưa nước nhà vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thượng tá Đỗ Quang Nghĩa
(Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội)