Trong thực tế cuộc sống, tình trạng mất an toàn lao động và cháy nổ vẫn xảy ra nhiều và gây thiệt hại lớn cả về kinh tế lẫn sinh mạng và sức khỏe con người. Theo Bộ LĐTBXH, trong năm 2013, cả nước xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động, làm 6.887 người bị tai nạn, trong đó có 627 người chết, thiệt hại về vật chất khoảng 78,12 tỷ đồng. Những địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Nghệ An… với tỷ lệ tử vong chiếm 49% tổng số ca tử vong trong cả nước. Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng có thể kể như vụ sập dàn giáo ngày 11-1 làm 3 người chết tại công trình cầu Sông Tranh (Hải Dương); tai nạn ngã vào hồ xử lý chất thải ngày 24-4 làm 3 người chết tại Công ty Hòa Dương (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh), vụ sạt mỏ đá Đông Quang (Đông Sơn, Thanh Hóa) ngày 7-6 làm 3 người tử nạn… Với công tác phòng chống cháy nổ, theo Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), trong năm 2013, cả nước xảy ra gần 2.700 vụ cháy nổ làm hơn 100 người chết, gây thiệt hại về tài sản gần 1.700 tỷ đồng và 900ha rừng; nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy kho đạo cụ làm phim ở nhà “Phương khói lửa” quận 3 TP Hồ Chí Minh ngày 24-2 làm 11 người chết; vụ nổ kho pháo hoa của Nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng) ngày 12-10 làm 24 người chết, gần 100 người bị thương; vụ cháy nổ cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, vụ cháy Trung tâm thương mại tỉnh Hải Dương… Tình trạng vi phạm ATVSLĐ, PCCN diễn ra khá phổ biến, số vụ mất an toàn luôn ở mức cao. Ngoài những nguyên nhân ở tầm vĩ mô như nhiều chính sách còn bất cập, cơ quan chức năng còn lơ là quản lý thì phần lớn nguyên nhân lại đến từ chính người lao động do thiếu ý thức tuân thủ các quy định đã có như trong vụ cháy Khu HTX Zôn 9, công nhân hàn bất cẩn để tia lửa hàn điện bắn vào vật liệu dễ cháy, công nhân thấy cháy không chạy ra mà chạy vào nên bị ngạt khói dẫn đến tử vong, qua nhiều trường hợp cho thấy người lao động chưa được huấn luyện VSATLĐ và PCCN đầy đủ và thường xuyên nên khi gặp nạn rất lúng túng trong cách xử lý, đấy là chưa kể đến trong lúc làm việc bình thường hàng ngày, chuyện nhiều người không chịu mặc quần áo bảo hộ lao động và các phương tiện bảo hộ khác, không chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng điện, sử dụng lửa… diễn ra tại rất nhiều nơi nhưng không được người sử dụng lao động nhắc nhở, kiểm tra; nhiều nơi, người sử dụng lao động còn không trang bị cho người lao động các phương tiện bảo hộ vì để… “tiết kiệm”. Lại nữa, khi đã để xảy chuyện chết người trong lao động, không ít chủ doanh nghiệp sợ truy cứu trách nhiệm pháp lý nên âm thầm chôn cất, đền bù cho gia đình nạn nhân ít tiền rồi coi như không có chuyện gì xảy ra (!).
“Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ tại nơi làm việc” của mỗi người đang là chủ đề của Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 16 năm 2014 này. Việc ấy không của riêng ai mà là của chung để đảm bảo an toàn sinh mạng, giữ gìn sức khỏe và bảo vệ của cải của mỗi người cũng như của cả xã hội chúng ta.
Quốc Huy